Sáng 30-9, trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em”. Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia nghiên cứu, người làm luật cũng như đại diện của một số cơ quan tư pháp TP.HCM.
Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề về phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, Th.S Nguyễn Phương Thảo, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết trên cơ sở Công ước về quyền trẻ em 1989 (CRC) và Hướng dẫn của Mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự hành động để chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT), có thể chia các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên mạng làm hai nhóm: bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
Th.S Nguyễn Phương Thảo, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Có thể hiểu, bóc lột trẻ em là những hành vi gạ gẫm trẻ em trực tuyến để lợi dụng tình dục hoặc sở hữu, sản xuất các tài liệu về bóc lột tình dục trẻ em. Đối với lạm dụng tình dục trẻ em, đây là những hành vi từ việc thiết lập các mối quan hệ tin cậy hoặc phụ thuộc để lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động tình dục.
BLHS 2015 của Việt Nam cũng đã quy định những hành vi vi phạm về tình dục đối với trẻ em. Th.S Thảo nhấn mạnh Điều 147 BLHS 2015 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là một sự tiến bộ của pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em với những loại tội phạm mới.
Đáng chú ý, trong bài tham luận của mình, Th.S Phương Thảo đặt ra vấn đề: Có nên xử phạt hành vi “cố ý xem, truy cập, nội dung khiêu dâm trẻ em” hay không?
Th.S Thảo cho biết việc tội phạm hóa những hành vi này vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Sự phản đối xuất phát từ lý do cho rằng điều cấm này cản trở quá mức đến quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của cá nhân.
Tuy nhiên những ý kiến này đã bị bác bỏ bởi nhiều lý do: (1) Nếu không có người tiêu thụ những những tài liệu đó thì sẽ không có nhà sản xuất, nhà phân phối và người bán; (2) Hành vi truy cập hình ảnh hoặc tài liệu khác mô tả tình dục trẻ em gây ra những tổn hại trực tiếp đến trẻ em; (3) Một số tổn hại gián tiếp đến trẻ em; (4) Việc truy cập và xem những nội dung khiêu dâm trẻ em kích thích khuynh hướng của người xem đối với trẻ em trên thực tế; (5) Sự quan tâm của nhà nước trong việc chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em là đủ để bào chữa cho mọi quan điểm áp đặt lên quyền tự do ngôn luận.
Theo Th.S Thảo, dù với lý do gì thì các hành vi sở hữu, cố tình xem, truy cập, tải xuống nội dung khiêu dâm trẻ em vẫn là những hành vi đáng lên án và cần bị xử lý theo quy định của pháp luật quốc gia. Đặc biệt trước sự phát triển của mạng viễn thông và mạng internet, người dùng không cần phải tải xuống hay sao chép các tài liệu có nội dung khiêu dâm trẻ em mà có thể dễ dàng truy cập và xem trực tuyến.
“Những hành vi này nên bị xử phạt hành chính sẽ hợp lý hơn vì tính chất và mức độ do hành vi phạm tội gây ra không đáng kể. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm hành chính cũng đã mang tính răn đe đồng thời phòng ngừa việc thực hiện các hành vi nguy hiểm hơn” – ThS Thảo nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAQS Trung ương tại buổi hội thảo. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án TAQS Trung ương nhận xét có ba loại hành vi xâm hại là tiếp xúc, nghe và nhìn, nhưng hiện nay chỉ có thể phạt những hành vi xâm hại tiếp xúc cơ thể.
“Trên môi trường mạng, các hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là nghe và nhìn. Ở nhiều nước trên thế giới, các hành vi này đều đã được quy định là hành vi xâm hại trẻ em, vì thế, để bắt kịp với thời đại không gian số, pháp luật cần thiết nên xem xét quy định những hành vi này trong các quy định bảo vệ trẻ em” – PGS.TS Độ nói.
Làm thế nào để giám sát hành vi truy cập, xem các nội dung khiêu dâm trẻ em?
Th.S Nguyễn Phương Thảo đề xuất cần có cơ chế hiệu quả để phát hiện hành vi này và kịp thời xử lý. Th.S Thảo cho biết có thể học hỏi kinh nghiệm của Philippines. Trong Đạo luật Chống văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2009 của Philippines, có quy định rõ về trách nhiệm và thời hạn thông báo của nhà cung cấp dịch vụ internet cho cơ quan có thẩm quyền do phát hiện có việc sử dụng nội dung khiêu dâm trẻ em trên máy chủ hoặc cơ sở của họ; trách nhiệm cung cấp thông tin chi tiết về người dùng truy cập hoặc cố gắng truy cập các trang web có nội dung khiêu dâm.
Vì thế, cần có văn bản quy định rõ về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền và các nhà cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội về vấn đề này để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý.