Nhiều dự án khí lớn chậm đưa vào khai thác do gặp các vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan trong quá trình triển khai
Với 6 nhóm chính sách lớn được trình Quốc hội, cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật dầu khí sửa đổi đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong hoạt động dầu khí.
Tuy nhiên, để có khung pháp lý hoàn chỉnh, khả thi, tạo nên tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư, rõ ràng và đơn giản hóa các thủ tục, vẫn cần làm rõ một số quy định trong dự thảo luật.
Đặc biệt với những dự án đang triển khai, nhiều nhà đầu tư băn khoăn là khi Luật dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, có được hưởng các ưu đãi hay không?
Bởi trên thực tế, nhiều hợp đồng dầu khí được ký kết từ hơn 20 năm trước, thậm chí có những hợp đồng ký kết trước khi Luật dầu khí hiện hành có hiệu lực, nhưng hoạt động dầu khí lại có những thay đổi đáng kể.
Mặc dù vậy, đến nay dự thảo luật vẫn chưa có quy định cho phép các dự án trước đây sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy định Luật dầu khí sửa đổi.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết, nhằm thu hút đầu tư dự án mới cũng như nâng cao hiệu quả dự án đã và đang triển khai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật dầu khí (sửa đổi)
Các chuyên gia cũng cho rằng để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các nhà thầu, nhà đầu tư, cần có thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư, sẽ được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của luật mới nếu ưu đãi cao hơn; còn trường hợp ưu đãi đầu tư thấp hơn luật sửa đổi thì tiếp tục được áp dụng theo quy định cũ.
Trong trường hợp chính sách thay đổi, nhà đầu tư có quyền lựa chọn, áp dụng những chính sách mới, ưu đãi hơn; cần thiết rà soát để có phương án xử lý, tránh xung đột pháp luật.
Kiến nghị này cũng trên cơ sở Luật đầu tư quy định, trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đặc biệt với một số trường hợp.
Còn nếu văn bản mới ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn mức ưu đãi được hưởng trước đó, thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.
Như vậy, để tiếp tục "giữ chân" nhà thầu dầu khí hiện tại, đặc biệt là để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, việc bổ sung nội dung về đảm bảo đầu tư trong điều khoản chuyển tiếp là cần thiết.
Điều này giúp tiết kiệm được thời gian và tối ưu hóa việc đưa các phát hiện dầu khí được đánh giá có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên vào khai thác trên cơ sở điều chỉnh các điều khoản, điều kiện của hợp đồng dầu khí đã ký.
Cần quy định việc xử lý chi phí của PVN
Việc có các quy định trên cũng là cần thiết với PVN trong việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ của nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí hoặc xử lý các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ phần sản phẩm, cùng các chi phí quản lý khác. Bởi thực tế, dự thảo chưa có quy định chuyển tiếp để đảm bảo xử lý được các loại chi phí này đối với những hợp đồng dầu khí đã được thực hiện trước đó.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung quy định là cơ sở để giải quyết các vướng mắc về chi phí khi PVN thực hiện các công việc quản lý nhà nước về dầu khí đã được phân công. Đồng thời cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu đối với các hợp đồng dầu khí trước đây.
Ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định Luật dầu khí (sửa đổi) có đặc thù là phân cấp, phân quyền trong trường hợp đặc biệt, cụ thể phân cấp cho công ty dầu khí quốc gia PVN. Việc giao quyền này về bản chất là giao trách nhiệm, giao quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó, kèm theo là công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trao đổi về phân cấp, phân quyền trong Luật dầu khí (sửa đổi)
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng cho rằng PVN là doanh nghiệp nhà nước, được Nhà nước giao, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước là theo đúng tinh thần của dự thảo luật, cũng như phù hợp với hệ thống pháp luật dầu khí ở nhiều quốc gia.
Ông cũng nhấn mạnh dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) cũng đã có kèm theo các cơ chế giám sát, như giám sát của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng là biện pháp cần thiết để quản lý các chi phí của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, đảm bảo hiệu quả.
Xem thêm: mth.20590857010012202-ut-uad-ad-na-ud-cac-ior-ob-gnud-ihk-uad-taul-aus/nv.ertiout