Liên quan đến vấn đề xăng dầu, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022 chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải một lần nữa nhấn mạnh vai trò chính của liên Bộ Công Thương - Tài chính là đảm bảo nguồn cung và điều hành giá xăng dầu hợp lý.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 21/9), giá xăng các loại đã về mức tương đương hồi tháng 7/2021, còn giá dầu diesel về mức tương đương hồi tháng 3/2022.
Trong điều hành giá xăng dầu, ông Hải cho biết có 3 nhóm lợi ích gồm doanh nghiệp dùng xăng dầu làm đầu vào sản xuất và người tiêu dùng; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; tổng thể vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng GDP.
Về chiết khấu của các doanh nghiệp xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay mức chiết khấu là mức giảm giá của các đơn vị bán xăng dầu như doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, phân phối... cho các đối tượng khác. Hiện nay, theo các quy định hiện hành không có quy định mức chiết khấu trong giá xăng dầu.
"Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu cho các doanh nghiệp xăng dầu mà chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp tự quy định mức chiết khấu cho người mua. Theo đó, khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm nên doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại", ông Hải nhấn mạnh.
Trong nội dung trả lời, người phát ngôn Bộ Công Thương thừa nhận thời gian qua có tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt. Ông nói rằng, nguyên nhân xuất phát từ hai lý do chính.
Thứ nhất, do đầu năm đến nay thị trường xăng dầu thế giới phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động biên độ lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xăng dầu trong nước.
"Trong quý II, doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh nhập khẩu nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, các doanh nghiệp thua lỗ do nhập khẩu lượng lớn, giá cao nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối", ông Hải lý giải.
Bên cạnh đó, do cuối năm 2021 đến nay chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, tuy nhiên để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chiết khấu xăng dầu.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã có 4 lần đề xuất Bộ Tài chính về chiết khấu xăng dầu. Lần đầu tiên là ngay từ thời điểm tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014.
Tiếp đó, đến tháng 7, Bộ Công Thương đã tiếp tục nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Đến tháng 8 vừa qua, khi thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh, Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh một số khoản chi phí trong giá cơ sở xăng dầu.
Gần đây nhất, ngay tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 31/8/2022, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Đây cũng là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu và chi phí kinh doanh xăng dầu, tại hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu" diễn ra sáng 21/9 vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu bằng 0 đồng/lít trong suốt thời gian dài khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.