Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, trả lời câu hỏi của bạn trẻ tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022 - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Chiều 1-10, tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia 2022, một bạn trẻ đặt vấn đề cho lãnh đạo TP.HCM về thí điểm các giải pháp công nghệ để giảm thiểu phát thải carbon và hướng đến "Zero carbon".
Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố đang phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) triển khai đề án đưa TP.HCM thành đô thị phát thải carbon thấp.
Đây là một trong những mục tiêu trong kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố.
Trước gợi mở của bạn trẻ tại diễn đàn, ông Hoan cũng chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp của người trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ ứng dụng công nghệ để chung tay giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho thành phố.
Ông chia sẻ trong tiếng Nhật có từ "Kaizen", có nghĩa là cải tiến liên tục, lúc nào cũng cải tiến, lần sau phải tiết kiệm hơn lần trước, cả về vật chất, lao động, thời gian, tiền bạc. Việc cải tiến phải đặt ra từ lãnh đạo cao cấp trong doanh nghiệp đến công nhân đều phải tham gia cải tiến.
"Khuyến khích cho bạn trẻ khởi nghiệp, tức là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo ra những cách thức, phương thức, sản phẩm để có thể vượt qua, bứt phá và tạo ra của cải vật chất lớn hơn so với thực tế. Hiểu khởi nghiệp như vậy mới thành công" - ông Hoan nói.
Ông nhấn mạnh điều cần thiết là phải xây dựng một nền kinh tế mà ở đó giảm phát thải carbon, thậm chí để phát thải bằng 0. Đồng thời cho rằng, muốn làm được điều đó, chỉ có duy nhất là kích cầu tiêu dùng những sản phẩm "xanh - sạch - thân thiện môi trường".
"Chúng tôi nghĩ rằng muốn làm được điều đó thì kích cầu tiêu dùng là quan trọng, làm cho người tiêu dùng, các cơ quan tiêu dùng, xí nghiệp tiêu dùng những nguồn nguyên liệu đó luôn có ý thức sử dụng sản phẩm chất lượng, thân thiện môi trường" - ông Hoan chia sẻ.
Lãnh đạo thành phố hoan nghênh các doanh nghiệp công nghệ chung tay, tham gia vào giải quyết vấn đề nêu trên cùng thành phố, có thể tham gia vào quy trình sản xuất của một nền kinh tế, của doanh nghiệp từ khâu kiểm soát nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, chất thải, nước thải…
"Các bạn có thể tham gia rất nhiều khâu trong đó, từng khâu có rất nhiều việc phải làm. Tinh thần là các bạn có thể am hiểu công nghệ, am hiểu kỹ thuật và khát vọng vươn lên, các bạn có thể tham gia cùng thành phố giải quyết bài toán như vậy" - ông Võ Văn Hoan nói.
TTO - Mỗi năm rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Vậy lộ trình để triển khai thị trường carbon ra sao?