Nhiều chuyên gia kỳ vọng vào năm 2023 dòng tiền sẽ bắt đầu quay trở lại kênh đầu tư chứng khoán - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau giai đoạn dài tăng nóng, thời gian này thị trường chứng khoán bị rơi vào xu hướng giảm. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng đây là diễn biến bình thường.
Chỉ trong vòng hai tuần chỉ số VN-Index đã sụt hơn 126 điểm, chốt phiên giao dịch gần nhất ở mốc 1.132 điểm - tương đương giảm hơn 396 điểm (-26%) so với mốc đỉnh lịch sử lập vào hồi đầu năm. Lượng tiền mua bán cổ phiếu thời gian này cũng thường xuyên ở mức thấp, cách xa mốc 1 - 2 tỉ USD ở năm trước.
Kể cả phiên đầu tiên được giao dịch lô lẻ từ 0 - 99 cổ phiếu/lệnh (12-9), vốn được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sôi động, nhưng thanh khoản toàn thị trường cũng chưa tới 12.000 tỉ đồng.
Thị trường giảm là bình thường
Ông Đinh Minh Trí - chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset - nhìn nhận thị trường chứng khoán giai đoạn quý 2 và 3-2022 trải qua tình trạng thanh khoản thấp vì tâm lý nhà đầu tư có phần chán nản khi thị trường có nhiều biến số kém tích cực đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến tranh Nga - Ukraine.
Điều này cũng khiến nhà đầu tư mới (F0) trở nên bi quan khi thua lỗ sau giai đoạn năm trước đầy khả quan.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong một tháng gần đây tại Sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) ở mức khoảng 500 triệu cổ phiếu/phiên, thấp hơn một nửa so với giai đoạn quý 4-2021 và quý 1 năm nay.
Chính vì vậy giá trị giao dịch bình quân một tháng gần đây hiện tại chỉ còn bằng khoảng 40 - 50% so với giai đoạn cao điểm là một xu hướng tất yếu.
Dòng tiền tham gia các kênh đầu tư như chứng khoán có phần sụt giảm mạnh, theo ông Trí, nguyên nhân cũng đến từ việc lãi suất các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mạnh, theo nhịp tăng chung của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Điều này đã khiến lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng cũng tăng theo.
Lý giải về sự chuyển dịch của dòng tiền, ông Nguyễn Anh Vũ - giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - nhận định trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản bị "đóng băng", lãi suất ngân hàng thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, việc chi tiêu mua sắm cũng không được thuận tiện, kế hoạch xây nhà, mua xe... đều bị gác lại, nên người dân có xu hướng đổ tiền nhàn rỗi và các khoản tiền khác để đầu tư vào chứng khoán trong ngắn hạn, giao dịch online, kiếm lời. Chính dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới lẫn các nhà đầu tư cũ đã đẩy thị trường tăng đột biến.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay các hoạt động kinh doanh đã trở lại guồng quay, cuộc sống trở lại bình thường, người dân có xu hướng rút tiền từ chứng khoán để đi đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, buôn bán, số khác cũng tìm cơ hội ở bất động sản...
Kỳ vọng đầu năm 2023
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, dù thanh khoản thị trường chứng khoán hiện nay sụt giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng sự chuyển dịch này là hoàn toàn bình thường, đồng thời điểm tích cực là mức thanh khoản này vẫn cao hơn trước khi dịch COVID-19 diễn ra.
Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM trong tháng 9-2022 đạt hơn 213.400 tỉ đồng, giảm 63% so với tháng cuối năm ngoái, nhưng vẫn tăng 275% so với tháng 9-2019 khi đại dịch chưa bùng phát.
Đã qua thời kỳ mua đâu thắng đó, nên ông Vũ cho rằng nhà đầu tư mua bán cổ phiếu cần cẩn trọng hơn, "đãi cát tìm vàng", kể cả khi thị trường rơi vào xu hướng giảm nhưng nếu biết chọn đúng cổ phiếu thì vẫn có thể kiếm được lời.
Khi nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu, "giàu cũng xài, nghèo cũng phải xài" như bán lẻ, dược phẩm, công nghệ thông tin, đầu tư công... vẫn hoạt động ổn định, đôi lúc còn được hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư có thể chọn lựa những cổ phiếu mang tính "phòng thủ".
Ngoài ra còn chú ý đến những doanh nghiệp có câu chuyện riêng như kết quả kinh doanh tích cực, IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), thoái vốn nhà nước...
"Trong một thị trường không tốt thì vẫn có ngành tốt, trong một ngành không tốt vẫn có công ty tốt. Nhà đầu tư tìm hiểu câu chuyện riêng của từng ngành và từng doanh nghiệp, từ đó chọn cổ phiếu tốt cho mình", ông Vũ cho hay.
Ông Đinh Minh Trí dự báo dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán trong tháng 10 và 11-2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, trước áp lực lo lắng việc lãi suất huy động và cho vay tiếp tục gia tăng khi FED có thể tăng mạnh tiếp lãi suất cơ bản trong tháng 11 và 12. "Tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ cải thiện từ tháng 12-2022 trở đi.
Đặc biệt, thanh khoản thị trường sẽ cải thiện rõ ràng hơn vào quý 1-2023 khi dòng tiền thị trường có thể tích cực hơn vì quý đầu năm thường là thời điểm nới room tín dụng ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản chung cho nền kinh tế", ông Trí cho hay.
Lượng tiền khủng nằm chờ trong tài khoản chứng khoán
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tám tháng đầu năm nay đã có 2,1 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 6,4 triệu tài khoản, tương đương 6,4% dân số Việt Nam, về đích sớm hơn ba năm so với mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đạt 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025.
Dù thời gian gần đây thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm, song vẫn có lượng tiền lớn đang "chờ thời" để giải ngân.
Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính tới hết nửa đầu năm nay có khoảng 70.000 tỉ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, chờ cơ hội thuận lợi để trở lại thị trường.
TTO - Dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều chuyên gia dự báo sang năm 2023 dòng tiền sẽ đổ về, giúp thị trường chứng khoán chuyển biến tích cực hơn. Nếu tìm đúng 'long mạch' lúc này, nhà đầu tư sẽ có 'cơ hội đổi đời'.