Dự báo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cùng chung nhận định với Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới, với viễn cảnh xấu đi của kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm và trong năm sau.
Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 27/9 đã đưa ra cảnh báo mới nhất, nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng đa tầng đang diễn ra.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala (Ảnh: AP)
Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng về tất cả các chỉ số. Bởi chúng tôi dự đoán triển vọng tăng trưởng đang giảm xuống. Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục điều chỉnh dự báo nhưng có vẻ không triển vọng lắm. Vì vậy, rất có thể chúng ta sẽ thấy, tất cả các chỉ số đều hướng đến những con số giảm".
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngày 26/9 đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, trong năm 2023, kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2,2%, giảm so với mức 2,8% đưa ra hồi tháng 6. Dự báo cho năm nay vẫn giữ nguyên ở mức 3%.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann (Ảnh: AP)
Ông Mathias Cormann - Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) - cho rằng: "Chúng ta đang đối mặt với lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu và trên diện rộng. Áp lực lạm phát đã tích tụ trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây thêm sự gián đoạn cho các thị trường hàng hóa, đẩy giá cả trên các thị trường đó lên cao hơn nữa. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao hiện đang lan rộng hơn ảnh hưởng đến hàng hóa và dịch vụ cốt lõi tại nhiều quốc gia".
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 21/9 cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á. Theo ADB, tăng trưởng năm 2022 đối với khu vực châu Á đang phát triển ở mức 4,3%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% hồi tháng 4.
Ông Albert Park - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho biết: "Việc Trung Quốc giảm tốc sâu hơn dự kiến sẽ tác động đến triển vọng tăng trưởng của khu vực, đặc biệt là những khu vực có liên kết chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng của nước này. Sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới cũng vẫn là một nguy cơ. Các rủi ro khác cần được giám sát chặt chẽ bao gồm nợ công, mất an ninh lương thực, căng thẳng địa chính trị và tác động của biến đổi khí hậu".
Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó cảnh báo nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng mạnh lãi suất, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chỉ ở mức 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Bài toán kiềm chế lạm phát và ngăn suy thoái
Trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay, thế giới đang chứng kiến một làn sóng tăng lãi suất nhanh chóng và rộng khắp. Khoảng 90 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970.
Tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều Ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá cả tăng cao do thiếu hụt nguồn chung, gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhưng tăng lãi suất cũng sẽ tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế, vốn đang trong quá trình phục hồi do đại dịch. Vì vậy, kiềm chế lạm phát song đồng thời không để kinh tế giảm tốc, ngăn suy thoái là bài toán khó mà các ngân hàng trung ương đang phải đối mặt.
Quyết tâm kéo lạm phát xuống khỏi mức cao nhất 4 thập kỷ là khẳng định của Chủ tịch Cục dữ trự Liên bang Mỹ khi quyết định nâng lãi suất lần thứ 5 vào ngày 21/9.
Chủ tịch Cục dữ trự Liên bang Mỹ Jerome Powell (Ảnh: AP)
"Chúng tôi cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Chúng tôi có những công cụ cần thiết và quyết tâm để khôi phục ổn định giá cả cho các gia đình, doanh nghiệp Mỹ. Đây là trách nhiệm của FED và là nền tảng của nền kinh tế" - ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhấn mạnh.
Liều thuốc tăng lãi suất có thể giúp giảm lạm phát nhưng không phải không có tác dụng phụ.
Ông Angel Talavera - Trưởng Bộ phận kinh tế châu Âu, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Oxford Economics - cho rằng: "Khi lãi suất cao hơn, hoạt động kinh tế sẽ chậm lại vì chi phí thương mại cao hơn, nên rõ ràng, các doanh nghiệp khó có được tín dụng hơn".
Việc FED tăng lãi suất sẽ đẩy chi phí thế chấp và các khoản vay khác lên cao hơn. Trên thị trường nhà ở, doanh số bán nhà đã giảm 20% trong năm qua. Lãi suất tăng cũng đẩy nguy cơ suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Dự báo, khoảng 1,5 triệu người Mỹ có thể mất việc làm.
Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm bao phủ bởi nguy cơ suy thoái, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. "Kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng", "con hổ mới tại châu Á", "bệ phóng cho châu Á"... là những cụm từ báo chí quốc tế mô tả về kinh tế Việt Nam.
Các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, với nhận định đây là kết quả từ chính sách kinh tế linh hoạt của Chính phủ, giúp sản xuất phục hồi nhanh và nguồn vốn đầu tư nước ngoài dồi dào.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương công bố tuần qua, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7,2%, mức tăng trưởng cao nhất khu vực. "Tăng trưởng phi thường" là cụm từ được WB nhấn mạnh về kinh tế Việt Nam, kết quả từ những khởi sắc của ngành xuất khẩu và giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau khi các quy định về hạn chế di chuyển do COVID-19 được dỡ bỏ, lạm phát được giữ trong tầm kiểm soát.
Ông Aadytia Mattoo - Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới - cho rằng: "Việt Nam tăng trưởng ấn tượng so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ quốc tế, nguồn thu ngân sách ổn định. Ưu tiên lúc này của Việt Nam là chuyển sang sản xuất đảm bảo chất lượng, tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi cung ứng".
Ngân hàng Phát triển châu Á cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định nhờ chính sách linh hoạt, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tiêu thụ nội địa phục hồi nhanh, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh.
Ông Andrew Jefferies - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên tăng trưởng của Việt Nam cả năm nay trong khi nhiều quốc gia khác ở châu Á bị điều chỉnh giảm. Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại… thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc đã hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. Đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á".
Việt Nam cũng là quốc gia châu Á duy nhất được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 vào giữa tháng 9 nhờ việc gỡ bỏ các hạn chế COVID-19, nỗ lực bao phủ vaccine và các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Era Dabla-Norris - Phó Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho rằng: "Việt Nam có nhiều thế mạnh để thu hút nguồn vốn FDI như dân số đông, tầng lớp thu nhập trung bình tăng, triển vọng kinh tế tích cực, độ mở nền kinh tế lớn, mức độ hội nhập cao... Các cam kết FDI trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế, đã tăng 26% trong năm nay và triển vọng ngắn hạn được dự báo rất khả quan".
Với các đánh giá tích cực từ những định chế tài chính quốc tế lớn, mới đây, công ty đánh giá tín nhiệm Moody's cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, triển vọng ổn định, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về kinh tế Việt Nam.
Với những dự báo đến thời điểm này, đà giảm tốc của kinh tế thế giới là khó có thể đảo ngược và nguy cơ suy thoái là nhận định chung của các chuyên gia hàng đầu cũng như các tổ chức quốc tế. Hiện tại, suy thoái được dự báo sẽ không sâu, tuy nhiên, các nước đều không thể chủ quan, trong bối cảnh thế giới vốn đã liêu xiêu sau 2 năm rưỡi gồng mình chống dịch, còn cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài hơn nửa năm và chưa thấy hồi kết. Dự báo cập nhật tiếp theo về triển vọng kinh tế thế giới dự kiến được Quỹ Tiền tệ quốc tế công bố vào ngày 5/10 tới và đây sẽ tiếp tục là dữ liệu để các nước có thêm đánh giá bao quát hơn, xác định rõ hơn chiều hướng hoạch định chính sách trong năm nay và năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44742431120012202-hnart-ohk-iaoht-yus-oc-yugn-av-ioig-eht-et-hnik/ioig-eht/nv.vtv