Thi công trải nhựa đoạn cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: ĐỨC TRONG
Có mặt tại vị trí đồi 30, 32 và 34 của gói thầu XL-02, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận, phóng viên Tuổi Trẻ chứng kiến các nhân viên kỹ thuật lắp thiết bị nổ mìn, phá đá. Nhiều xe máy khoan, xe cuốc, xe ben liên tục ra vào để nối tiếp các công đoạn.
Ông Thái Bá Đạt - cán bộ nhà thầu Phương Thành - chia sẻ đây là các đoạn có khối lượng công việc lớn và khó khăn nhất của gói thầu. Nếu hoàn thành các vị trí này sẽ thuận lợi cho các hạng mục tiếp theo.
Còn tại gói thầu XL-04 của đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, ông Trịnh Quốc Quân - cán bộ nhà thầu Vinaconex - cho biết công trường luôn vận hành liên tục, làm đến đâu cuốn chiếu đến đó. "Trước đây, trước khi thi công hạng mục gì thì nhà thầu phải báo trước khoảng 24 đến 48 tiếng để tư vấn giám sát chuẩn bị các thủ tục ra hiện trường.
Còn bây giờ thì các bên lúc nào cũng có mặt, hễ làm tới đâu là chúng tôi có mặt sớm nhất để cùng phối hợp. Việc này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian" - ông Trịnh Đình Chinh, cán bộ tư vấn giám sát tại gói thầu số XL-04 đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, nói thêm.
Theo Ban quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo), tổng sản lượng xây lắp đến cuối tháng 9 đạt khoảng 51,3%, chậm khoảng 3,8% so với kế hoạch.
Kể từ khi phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm để thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12", dự án đã có nhiều chuyển biến, các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, huy động thêm thiết bị, dây chuyền và sản lượng thi công đang tăng dần đều (gần 1,5 lần so với thời điểm đầu tháng 9).
Còn theo Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư đoạn Dầu Giây - Phan Thiết), khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay khoảng 57,7%, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh.
Chủ đầu tư này cũng cho hay mùa mưa đến sớm và kéo dài nên chưa đẩy nhanh được tiến độ. Chỉ riêng trong tháng 9 thì mất 20 ngày mưa. Chủ đầu tư này cũng nhìn nhận nguy cơ không kịp thông xe kỹ thuật cuối năm nay nếu thời tiết vẫn bất lợi, giá cả vật tư vật liệu tiếp tục tăng cao.
Các chủ đầu tư trên cũng cho biết hiện nay cả mặt bằng thi công hai đoạn vẫn còn có nhiều điểm vướng trụ điện, đường dây cao thế 220kV và 500kV. Nếu phía điện lực không sớm giải quyết dứt điểm thì tiến độ dự án cũng ảnh hưởng lớn.
Nhà thầu tranh thủ trời nắng ráo để thảm bê tông nhựa nóng tại đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo - Ảnh: ĐỨC TRONG
Máy khoan, xe cuốc, xe ben đang hoạt động rầm rộ tại vị trí đồi 32, đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tại vị trí đồi 30, 32 và 34 của gói thầu XL-02, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận, nhà thầu đang nổ mìn, phá đá - Ảnh: ĐỨC TRONG
Một đoạn đường găng của đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, qua tỉnh Bình Thuận đang vướng trụ điện cao thế - Ảnh: ĐỨC TRONG
Trên công trường lúc nào cũng thường trực nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn giám sát để cùng làm - Ảnh: ĐỨC TRONG
Nhà thầu tranh thủ đổ bê tông cầu vượt tại nút giao giữa đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo với quốc lộ 28 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Vuột mất "thời gian vàng"
Một đại diện nhà thầu chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng đã vuột mất "thời gian vàng" để đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc này.
Theo vị này, thời điểm căng thẳng nhất của dịch COVID-19 cũng là thời gian thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ vì thời tiết thuận lợi, giá nhiên liệu, vật liệu lại thấp chưa từng có.
"Các nhà thầu đã tập kết phương tiện hùng hậu, nhưng ngặt nỗi không có nguồn đất để đắp nền. Nhân công và phương tiện phải nằm chờ mấy tháng. Nếu lúc đó địa phương tạo điều kiện cho phép khai thác các mỏ là bây giờ đã thông tuyến.
Đến khi thủ tục cấp phép hoàn thành thì giá nhiên vật liệu tăng chóng mặt. Còn bây giờ thì gặp thời tiết bất lợi trong khi thời gian hoàn thành đã cận kề", vị đại diện nhà thầu nói.
17 bộ, ngành, địa phương xin trả lại hơn 6.800 tỉ đồng vốn đầu tư công
Bộ Tài chính cho biết như vậy trong văn bản vừa gửi các bộ, ngành cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tám tháng đầu năm đạt rất thấp. Tỉ lệ trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,4% kế hoạch vốn được giao, trong đó tại các địa phương là 11,5%, còn các bộ ngành là 23%. Đáng chú ý, có đến sáu bộ ngành gồm: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và tám tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh có tỉ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn là... 0%. Đặc biệt Bộ Tài chính nhận được văn bản của 17 bộ, ngành, địa phương đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 với tổng trị giá là 6.827 tỉ đồng.
Bà Mai Thị Thùy Dương - phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính - cho biết dự kiến đến hết năm nay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công vay nước ngoài chỉ đạt khoảng 40% do có nhiều vướng mắc.
"Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến giải ngân chậm là do tổ chức thực hiện. Vì cùng một cơ chế, chính sách, có bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất cao, nhưng có một số bộ, ngành, địa phương khác thì giải ngân rất thấp, rất chậm, thậm chí chưa giải ngân được đồng nào", bà Dương nói.
L.THANH
TTO - Bộ Giao thông vận tải cho rằng phương án dùng 6.164 tỉ đồng ngân sách nhà nước (44,4% tổng mức đầu tư) để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe là không khả thi.