Thi thể các nạn nhân trong vụ giẫm đạp tại Bệnh viện Saiful Anwar ngày 2-10 - Ảnh: REUTERS
Tính đến 14h ngày 2-10 theo giờ Việt Nam, đã có 174 người chết trong vụ bạo loạn dẫn tới giẫm đạp ở sân Kanjuruhan thuộc tỉnh Đông Java ngày 1-10, Phó tỉnh tưởng tỉnh Đông Java Emil Dardak xác nhận với truyền thông địa phương.
Vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng, buộc Tổng thống Joko Widodo phải vào cuộc và nhanh chóng lên tiếng ngày 2-10.
Trong chỉ đạo được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Widodo yêu cầu bộ trưởng các bộ thể thao, thanh niên và cảnh sát Indonesia vào cuộc rà soát, đánh giá lại việc đảm bảo an ninh trong các trận đấu bóng đá, theo Hãng tin Reuters.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng ra lệnh đình chỉ tất cả trận đấu thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia (BRI Liga 1) cho đến khi công tác đánh giá an toàn, an ninh hoàn tất.
Sân Kanjuruhan - nơi xảy ra vụ giẫm đạp và bạo loạn - có sức chứa thiết kế chỉ 38.000 chỗ nhưng trong ngày xảy ra giẫm đạp, số vé được bán ra lên tới 42.000.
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Yunus Nusi xác nhận Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) đã liên lạc với PSSI sau khi biết sự việc qua truyền thông. Phía FIFA cũng yêu cầu PSSI báo cáo về sự việc và để ngỏ khả năng áp hình phạt.
Người đứng đầu PSSI cho biết đã cử một nhóm quan chức đến hiện trường và hy vọng sẽ thoát được án phạt của FIFA.
Đây không phải là lần đầu tiên các trận đấu bóng đá ở Indonesia kết thúc trong bạo lực. Xứ vạn đảo dự kiến đăng cai FIFA World Cup U20 vào tháng 5 và tháng 6 năm sau. Jakarta cũng đang tranh suất đăng cai Asian Cup năm 2023 sau khi Trung Quốc rút lui.
Người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá châu Á - ông Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa cho biết ông "vô cùng sốc và đau buồn khi biết tin bi thảm đến từ đất nước vốn yêu bóng đá như Indonesia", bày tỏ sự chia buồn với các nạn nhân, gia đình và bạn bè của họ.
Vụ bạo loạn xảy ra sau khi trận đấu giữa đội bóng Arema và Persebaya Surabaya kết thúc với tỉ số 2 - 3 nghiêng về đội khách vào ngày 1-10.
Các cổ động viên sau đó tràn xuống sân cỏ, buộc cảnh sát phải triển khai lực lượng chống bạo động để giải tán bằng hơi cay và gậy gộc.
Thông tin sơ bộ cho biết nguyên nhân giẫm đạp là do nhiều người cùng bỏ chạy khi cảnh sát bắn hơi cay. Giẫm đạp xảy ra ở cổng số 10 của sân vận động, với nạn nhân phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Đụng độ giữa các cổ động viên với cảnh sát xảy ra ở cả trong và ngoài sân Kanjuruhan, theo các video được một số nhân chứng đăng tải trên mạng xã hội. Hơn một chục xe cảnh sát đã bị đốt cháy, phá hủy bên ngoài sân Kanjuruhan.
TTO - 'Hỗn loạn nổ ra ngay sau khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu với chiến thắng 3-2 nghiêng về đội khách Persebaya Surabaya. Khán giả xuống khu vực giữa sân cố gắng tìm các cầu thủ để hỏi lý do thua và trút giận'.
Xem thêm: mth.44604314120012202-couc-oav-afif-471-nel-gnat-tehc-iougn-os-aisenodni-o-naol-oab/nv.ertiout