Diễn đàn “Làm gì để chấm dứt lạm thu?” khép lại sau gần một tuần, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc - Ảnh chụp trang báo
Lạm thu trong nhà trường có nguyên nhân xuất phát từ nhà trường, từ ban đại diện hội phụ huynh, từ chính các phụ huynh và từ các cơ quan quản lý. Có thể dẹp được vấn nạn này nếu các bên quyết liệt vào cuộc.
Nguồn gốc của cái sai
Đối với nhà trường, cái sai nằm ở quan điểm cho rằng phụ huynh khi đưa con vào học ở trường mặc nhiên là đối tượng chính để vận động quyên góp. Nó biến tướng thành một sự "bắt chẹt" phụ huynh khi con em mình đang học trong nhà trường này.
Việc đóng góp một khi được nhà trường "gợi ý" thông qua ban đại diện hội phụ huynh thì gần như là một sự bắt buộc. Luật cấm, nhưng sự gợi ý bằng lời nói thì trở thành một cái "lệ làng" mà ít ai dám làm trái. Sự tự nguyện ở đây chỉ trên danh nghĩa.
Đối với ban đại diện hội phụ huynh, quan điểm chia đều, cào bằng các khoản vận động đóng góp là vô cùng sai và vô cảm. Việc vận động những khoản đóng góp không được phép vận động theo luật đã là sai, việc cào bằng các khoản thu vận động là vô cảm khi không nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của người khác.
Và đáng lên án hơn khi có một số ban đại diện hội phụ huynh có những cách làm mang tính cưỡng bức sự đồng ý "thống nhất" thông qua biểu quyết đa số, và rồi thậm chí thúc ép, bêu riếu các phụ huynh đóng tiền chậm...
Có thể chấm dứt lạm thu
Vậy có cách nào giảm lạm thu và tiến tới chấm dứt hay không? Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau.
Đối với nhà trường: phải thay đổi tư duy xem phụ huynh là "đối tượng vận động chính", là "bầu sữa". Việc đóng góp cho trường phải là từ nhà hảo tâm, những tổ chức xã hội, những quỹ cộng đồng về phát triển hạ tầng giáo dục...
Nhà trường cần công khai các nhu cầu và niêm yết tại nơi công cộng khi kêu gọi xã hội, hạn chế tối đa nếu không muốn nói là tuyệt đối không kêu gọi, vận động phụ huynh của các con em đang học trong trường - bản chất là những người kém thế và dễ bị "ăn hiếp" trong mối quan hệ hiện tại với nhà trường.
Phụ huynh nào đóng góp thì bản chất là sự đóng góp trên vai trò một người xã hội có tâm nguyện đóng góp tự nguyện, chứ không phải trên vai trò của một phụ huynh học sinh đang học ở trường.
Phụ huynh chỉ nên có trách nhiệm phối hợp cùng trường giáo dục trẻ phát triển tốt và hoàn thành các nghĩa vụ đóng học phí và các phí chính thức theo quy định. Việc gợi ý về các khoản đóng góp, theo tôi, là rất phản cảm.
Đối với ban đại diện hội phụ huynh học sinh: Cần làm rõ quyền hạn, trách nhiệm, vai trò của hội phụ huynh khi vận động đóng góp tiền bằng cách thực hiện việc đọc công khai quy định các việc được phép thực hiện liên quan chi phí (vận động quyên góp) trước mỗi lần tiến hành việc vận động đóng góp.
Việc này giúp các phụ huynh khác được hiểu rõ cách làm của ban đại diện có đúng hay không, đồng thời giúp ban đại diện "tỉnh táo" hơn khi thực hiện việc vận động.
Việc quản lý quỹ hội phụ huynh phải được thực hiện nghiêm túc. Hội phải là người giữ tiền, trực tiếp nghiệm thu và chi trả các khoản chi từ quỹ, không được phép bàn giao quỹ cho giáo viên chủ nhiệm hay đại diện nhà trường.
Chỉ khi thực hiện việc này thì các khoản chi mới được rõ ràng và việc giải trình (khi cần) mới minh bạch được.
Không thể "cào bằng", "ép buộc"
Ban đại diện hội phụ huynh cần tránh tình trạng đưa ra mức đóng cào bằng, rồi tiến hành "ép buộc" bằng cách biểu quyết, hay suy diễn đạo đức cho rằng không đóng là không thương con. Đến giờ rất nhiều người vẫn không biết hội phụ huynh phải hoạt động theo hình thức thống nhất toàn thể, chứ không phải theo hình thức số ít tuân thủ theo đa số.
Diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" tạm khép lại với bài viết của bạn đọc Quốc Trụ. Có thể nói khó chấm dứt hoàn toàn lạm thu trong một sớm một chiều nhưng với những gợi mở, giải pháp của các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên và bạn đọc, sự vào cuộc quyết liệt của các nhà trường, các cấp quản lý, đặc biệt là các hội phụ huynh học sinh, hy vọng vấn nạn này sẽ dần được hạn chế, giúp bớt đi những bức xúc, "đau đầu" của phụ huynh mỗi mùa tựu trường.
Sau gần một tuần, diễn đàn đã thu hút hàng trăm ý kiến, phản hồi và bài viết của quý bạn đọc. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi không thể đăng tải hết ý kiến, bài viết của bạn đọc. Những bài viết được sử dụng, tòa soạn sẽ sớm liên hệ với tác giả để gửi nhuận bút.
TTO - Con tôi học lớp 3 một trường tiểu học có tiếng của quận 1, TP.HCM. Sau buổi họp phụ huynh đầu năm, cả lớp nhất trí phương án không cào bằng mức thu quỹ lớp mà "ai có nhiêu, đóng nhiêu".
Xem thêm: mth.48914422220012202-aus-uab-al-iahp-gnohk-hnyuh-uhp-uht-mal-tud-mahc-ed-ig-mal-nad-neid/nv.ertiout