vĐồng tin tức tài chính 365

Tạo nguồn hàng chất lượng, bền vững cho TP HCM

2022-10-04 07:50

Một trong những nội dung quyết định của chương trình bình ổn thị trường (BOTT) là tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường.

Yên tâm khi mua hàng bình ổn

Từ thịt heo, gạo, trứng, sữa, đường đến dầu ăn, rau củ… tất cả đều là những sản phẩm bình ổn không thể thiếu trong giỏ hàng của chị Đặng Thị Phương Ngọc mỗi khi đi mua sắm ở siêu thị. Thói quen chọn hàng BOTT đã được chị Phương Ngọc duy trì từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020 đến nay do nguồn hàng ổn định và giá cả vừa túi tiền của gia đình chị. "Tôi đã sử dụng qua rất nhiều mặt hàng trong danh mục BOTT của TP HCM và rất an tâm về chất lượng nên lần nào vào siêu thị, tôi đều tính toán sẵn mua gì và tìm hàng bình ổn trước xem có nằm trong danh mục mình định mua hay không. Nếu có, tôi luôn ưu tiên chọn" – chị Phương Ngọc chia sẻ.

Những sản phẩm bình ổn cũng được chị Lê Thị Thu Mai, quận 7 lựa chọn vì giảm phần nào chi phí hằng tháng. "Khi mua được 1 mặt hàng bình ổn thì mình có thể tiết kiệm được một phần chi phí. Hồi tháng 5, có lúc trứng gà ngoài chợ tăng vọt lên 38.000 đồng – 40.000 đồng/chục, trứng vịt cũng 40.000 đồng – 42.000 đồng/chục thì trứng gà bình ổn chỉ 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục. Thịt heo, rau củ giá bình ổn cũng rẻ hơn so với mặt bằng chung, chất lượng lại bảo đảm vì là sản phẩm của những doanh nghiệp (DN) uy tín đã được chương trình chọn lọc, kiểm soát" – chị Thu Mai dẫn chứng. Chị đúc kết, chương trình BOTT của TP rất hữu ích cho người tiêu dùng và giúp cân bằng cuộc sống cho người có thu nhập trung bình. Vì vậy, rất mong TP tiếp tục thực hiện chương trình này và mở rộng đối với nhiều mặt hàng, sao cho hàng Việt được bình ổn giá và cải thiện chất lượng tốt hơn nữa.

Theo Sở Công Thương TP HCM, các mặt hàng bình ổn đang có giá thấp hơn thị trường 10% - 15%. Từ đầu năm đến nay, TP chỉ 4 lần điều chỉnh giá các mặt hàng bình ổn và chỉ điều chỉnh rất ít mặt hàng trong vài trăm mặt hàng thuộc danh mục lương thực, thực phẩm các DN đang thực hiện BOTT.

Tạo nguồn hàng chất lượng, bền vững cho TP HCM - Ảnh 1.

Trứng gia cầm là 1 trong những mặt hàng bình ổn giúp người tiêu dùng cân bằng cuộc sống trong bão giá

Tạo nguồn cung dồi dào, chi phối thị trường

Với bề dày 20 năm thực hiện chương trình BOTT TP HCM (2002-2022), chương trình đã tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Năm 2022, xung đột Nga - Ukraine đã kéo theo sự leo thang giá cả nhiều loại hàng hóa, làm trầm trọng thêm những thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra; tiếp tục cản trở xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng. TP đang tập trung khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối tiêu dùng; bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, giao thông thuận lợi, nhanh chóng, an toàn cho người dân. Đồng thời, TP ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại.

Trên tinh thần đó, đại diện Sở Công Thương TP HCM cho hay, chương trình BOTT được triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu hàng hóa đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.

Tạo nguồn hàng chất lượng, bền vững cho TP HCM - Ảnh 2.

Các loại rau củ giá bình ổn thường rẻ hơn so với mặt bằng chung

Về giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết TP chủ động nguồn cung, điều tiết cung - cầu, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường. Bên cạnh đó là hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; phát huy nguồn lực xã hội, mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội như nhau trong tiếp cận chính sách phát triển sản xuất, thực hiện BOTT. Gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian. Quản lý thị trường hiệu quả, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất… để có thêm nhiều mặt hàng bình ổn với giá cả hợp lý và chất lượng được bảo đảm. "Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, bao gồm hàng hóa trong danh mục BOTT, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân TP" – ông Phương nói thêm.

Vậy, làm sao để đưa hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng hiệu quả hơn? Trả lời câu hỏi này, Sở Công Thương TP cho biết sắp tới sẽ tính toán giải pháp quảng bá chương trình sâu rộng hơn. Trong kế hoạch, TP sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ; duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông…; khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực đầu mối kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga tàu điện ngầm (metro). TP đồng thời khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối truyền thống để đưa được hàng bình ổn tới tay người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Để thực hiện chương trình BOTT trong dài hạn, đi vào chiều sâu, TP đã thực hiện song song nhiều chương trình, đề án bổ sung để hỗ trợ, thúc đẩy DN đầu tư, phát triển. Ngoài ra, TP cũng tăng cường hợp tác thương mại, kết nối cung- cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành cũng như liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Các địa phương cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN TP an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các Hợp tác xã nuôi trồng. Đến nay, các DN BOTT của TP đều có vùng nguyên liệu ổn định tại các tỉnh, thành.

Nhiều năm qua, chương trình BOTT đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Từ chỗ phải kêu gọi ủng hộ, đến nay hàng bình ổn đã thuyết phục người tiêu dùng bằng chất lượng, mẫu mã.

Tại buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL về kết nối tiêu thụ hàng hóa hồi đầu năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cũng đã đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất và xuất khẩu TP đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu. Các tỉnh tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng bảo đảm; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.

Phần lớn các DN BOTT TP đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Riêng Saigon Coop có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước. Vissan thì liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 30.000 tấn heo hơi/năm, 1.200 tấn bò hơi/năm; Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 80% tại 15 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam Bộ, chủ yếu tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh, thành…

Xem thêm: mth.22764647130012202-mch-pt-ohc-gnuv-neb-gnoul-tahc-gnah-nougn-oat/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tạo nguồn hàng chất lượng, bền vững cho TP HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools