Đi đường đêm khuy bất ngờ bị nhóm thanh niên ném vỏ chai bia
Ngày 3/10, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang xác minh nhóm thanh thiếu niên đi xe máy không biển số mang theo hung khí, chai bia tấn công người dân trên địa bàn quận.
Hiện đã có một số nạn nhân trình báo vụ việc trên tới cơ quan chức năng.
Anh Đ.T. (một nạn nhân) kể, vào khoảng hơn 23h đêm 2/10, khi anh đang di chuyển ở khu vực đường đôi Trần Phú (đoạn gần trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, Hà Đông, Hà Nội) thì bất ngờ bị nhóm thanh thiếu niên tấn công bằng chai bia.
Bị ném trúng, anh T. ngã xe. Sau đó, nhóm này tiếp tục tấn công một thanh niên nữa khiến người này ngã xe.
Thời điểm anh T. bị tấn công, đường phố vẫn đông người nhưng những thanh niên này rất manh động, đi ngược chiều và trêu người đi đường.
"Khi tất cả tụ tập lại, tôi đếm có khoảng 10 xe và 20 người cả nam, nữ. Trong đó, nhiều thanh niên nhuộm tóc xanh, đỏ, tất cả các phương tiện đều không có biển số...", anh T. nói.
Anh cho biết, bản thân trước đây không có mâu thuẫn hay thù hằn với ai.
Sau khi anh T. đăng bài bị tấn công lên Facebook, cũng có 3-4 người cùng bị giống như anh gọi điện, nhắn tin trao đổi.
Đa số những người này bị ở khu vực phường Văn Quán và phường Mỗ Lao, quận Hà Đông.
Hiện tại, anh T. và một nạn nhân khác đã đến công an phường Mộ Lao trình báo sự việc.
Anh H.L. (nạn nhân khác) cho hay, anh bị các đối tượng tấn công dẫn đến trọng thương ở tay đến nay đã hơn 1 tuần nhưng chưa hết bầm.
Thời điểm anh L. bị tấn công vào khoảng 21h30 trên đường từ Lê Trọng Tấn sang đường Văn Phú.
Do sự việc xảy ra quá nhanh khiến anh không nhìn rõ nhóm người và công cụ gây án.
TS. Đào Trung Hiếu. (Ảnh: DV).
Chuyên gia tội phạm học đưa ra cảnh báo
Trao đổi với PV về sự việc trên, TS. Đào Trung Hiếu (Nhà văn, Nhà báo, Chuyên gia tội phạm học, Cục truyền thông CAND, Bộ Công an) cho biết: Trước hết, đánh giá về hành vi của nhóm đối tượng là rất nguy hiểm.
Trong quá trình chúng tham gia giao thông lạng lách, đánh võng mang theo hung khí nguy hiểm múa may loạn xạ và có hành vi tấn công vô cớ người đi đường qua đánh giá hành vi này có dấu hiệu của tội "gây rối trật tự công cộng".
Quá trình chúng ném các vật thể trúng vào người đi đường gây tai nạn thì có thể phạm vào các tội như "cố ý gây thương tích" thậm chí khi nạn nhân chết thì có thể đánh giá, xem xét xử lý về hành vi giết người.
"Trước hết, theo tôi đánh giá đây là một hiện tượng xã hội tiêu cực. Chủ thể thể hiện hành vi này chủ yếu là nhóm thanh thiếu niên mới lớn.
Phản ánh một vấn đề nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật rất hạn chế có sự đua đòi, bốc đồng thể hiện mình bằng hành vi đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Số đối tượng này có thể xuất thân, sinh trưởng trong gia đình mà bố mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, có sự đua đòi.
Các đối tượng khi tham gia vào các nhóm như này trước đó thường sử dụng chất kích thích có thể là rượu, bia hoặc ma tuý nên tạo ra sự hưng phấn, bốc đồng.
Bản chất những thanh thiếu niên này đều biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, khi bị công an bắt đều sợ, khóc lóc.
Tuy nhiên, khi trong đám đông bị ảnh hưởng bởi tâm lý "đám đông", người này khích người kia nên đối tượng muốn thể hiện mình là bản lĩnh nên dẫn đến các hành vi trên...", TS. Đào Trung Hiếu nói.
Theo TS. Đào Trung Hiếu, các đối tượng sử dụng hành vi bạo lực trên đường gây ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Trước hết có thể gây ra sự cố giao thông, thương tích cho người đi đường, ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
Không có gì phản cảm, gây hoang mang lo lắng cho người dân bằng việc một nhóm thanh thiếu niên vác theo mã tấu, tuýp sắt hàn dao phóng lợn đi xe máy lạng lách, đánh võng và ném vỏ chai.
Đây là những hành vi gây rối diễn ra công khai ở trên đường, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý cho người dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự.
Chính vì vậy tất cả những hành vi này cần phải được nghiêm trị.
TS. Đào Trung Hiếu cũng cảnh báo người dân khi tham gia giao thông mà gặp những tình huống có nhóm thanh thiếu niên mang theo hung khí thì không nên tiếp cận, vì tò mò mà đứng xem. Bởi những đối tượng này rất manh động có thể làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người ở gần.
Nếu người dân có việc tham gia giao thông ban đêm nhất là về khuya nên đi theo tốp, không nên đi một mình. Khi tham gia giao thông cần chú ý quan sát.
"Các đối tượng gây án thường nhằm vào những người đi một mình vì chúng sẽ cảm thấy dễ bắt nạt, ăn hiếp.
Còn nếu đi đông thì chúng sẽ không dám ra tay manh động...", TS. Đào Trung Hiếu chia sẻ.
Ông cũng cho biết, khi chẳng may mà bị các đối tượng tấn công thì người đi đường cần trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn, bắt giữ.
"Thông tin trình báo phải đến công an một cách kịp thời, thậm chí có thể dừng xe gọi điện cho cảnh sát 113 để trình báo về tình hình nhóm đối tượng gây án để công an có thể tổ chức đón lõng, truy bắt phá vỡ các băng nhóm càn quấy...".