Tại cuộc họp thường kỳ diễn ra vào chiều 3/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những thách thức của 3 tháng cuối năm với ngành nông nghiệp là không nhỏ. Tuy nhiên, nếu có sự thích ứng kịp thời về cơ cấu sản phẩm và thị trường thì Việt Nam vẫn sẽ đạt giá trị kim ngạch 50 tỷ USD như Chính phủ giao.
Gỗ, tôm, cà phê, gạo và cá tra là 5 mặt hàng có thặng dư thương mại 9 tháng cao nhất. Cụ thể, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tôm đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 24%; cà phê đạt 3 tỷ USD, tăng hơn 98%; gạo đạt hơn 2 tỷ USD tăng 15%; cá tra đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 82%.
Lạm phát làm giảm nhu cầu sản phẩm thủy sản tại nhiều quốc gia nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng mạnh vì đây là mặt hàng có giá khá bình dân. Trong khi đó, xuất khẩu tôm giảm vì phần vì thiếu nguyên liệu và lạm phát.
(Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Về tổng thể, xuất khẩu thuỷ hải sản, tuy có một số mặt hàng giảm kim ngạch nhưng được bù đắp lại bởi xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các loại cá biển. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với ngành gỗ xuất khẩu.
3 tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP dự báo đến hết tháng 11, ngành thủy sản có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như kỳ vọng.
Thúc đẩy xuất khẩu nhờ Hiệp định EVFTA
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt Nam và kết quả xuất khẩu 9 tháng sang EU cũng được coi là điểm sáng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng gần 15%. Riêng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang EU đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11%.
Điều này cho thấy EVFTA đã mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Không những thế, Hiệp định này đã góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam có những chuyển biến lớn về chất.
EVFTA đã mở ra một thị trường lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Ảnh minh họa.
Sau đứt gãy đơn hàng vì COVID-19 vào năm ngoái, ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX chuối Thanh Bình ráo riết xúc tiến gặp gỡ khách hàng. Kết quả là hơn 300 ha vùng nguyên liệu đều có được đầu ra. Các phụ phẩm từ cây chuối cũng đang được HTX đàm phán với khách hàng để cung cấp vào 2 thị trường là Đức và Italy.
Mỗi tháng, Công ty Đầu tư Dừa Bến Tre xuất khoảng gần 50 container sữa dừa sang EU. Tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu đã đòi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng đổi lại các sản phẩm có giá bán cao gấp 7 lần.
Theo thống kê, các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu không chỉ tăng đơn thuần về mặt số lượng mà đã có sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản sang một số nhóm có giá trị gia tăng cao hơn.
Thị trường EU cũng đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường…
"Những điều kiện mang tính phức tạp đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải có những chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó mới có thể khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững thị trường này", bà Ann Mawe - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam cho hay.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, EVFTA là hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao trong số nhiều FTA Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, những thách thức trong thời gian tới vẫn còn nhiều khi thị phần hàng Việt tại EU vẫn còn khá khiêm tốn.
Có thể thấy Hiệp định EVFTA là một hướng đi mới cho nông sản Việt Nam. Không phải cạnh tranh bằng giá cả, không phải cạnh tranh bằng số lượng, mà cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng.
Khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu, thì cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về những yêu cầu của thị trường này. Vì khi các hiệp định thương mại được ký kết, hàng rào thuế quan sẽ hạ xuống, nhưng rào cản về tiêu chuẩn, kỹ thuật sẽ được dựng lên.
Châu Âu luôn chú trọng và ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất có các quy trình công nghệ xanh hơn, giảm phát thải, nước thải và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, còn nhiều yêu cầu cũng như lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường khó tính này.
Sự chủ động, tuân thủ một cách bài bản các quy định từ thị trường sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp trong nước chinh phục được mọi thị trường một cách bền vững. Với EVFTA, Việt Nam không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm tín chỉ, chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, chất lượng nông sản Việt Nam có thể tới bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Lợi thế từ Hiệp định EVFTA không phải chỉ từ hoạt động thương mại xuất nhập khẩu mà hoàn toàn có được các cơ hội về tiếp cận công nghệ từ các nước EU để có được các công nghệ chế biến sâu, tận dụng tối đa nguồn lợi có được từ con tôm, con cá hay rất nhiều các phế phụ phẩm từ lĩnh vực nông sản, vừa tạo thêm được các ngành nghề mới, gia tăng giá trị của các lĩnh vực ngành hàng, qua đó giúp phát triển bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.10511030140012202-gnaht-9-gnort-dsu-yt-04-noh-ev-uht-nas-gnon-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv