Sáng ngày 4/10, TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương (Công ty Diệp Bạch Dương) và các đồng phạm khác sau 3 lần bị hoãn.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Thành Tài.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thành Rum kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng để lấy công sản 185 Hai Bà Trưng, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kháng cáo kêu oan; một số bị cáo nguyên là cán bộ thuộc UBND Tp.HCM kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng bị cáo Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự.
Theo bản án sơ thẩm mà TAND Tp.HCM tuyên hồi tháng 11/2021, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là đại diện Công ty Diệp Bạch Dương đã ký nhiều hợp đồng tín dụng, giấy biên nhận nợ với tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay là khu đất 57 Cao Thắng.
Sau đó, nữ giám đốc công ty này đã lợi dụng các mối quan hệ để đề xuất hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng lấy nhà đất 185 Hai Bà Trưng - trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ Tp.HCM.
Trong quá trình hoán đổi 2 tài sản trên, bị cáo Diệp đã gian dối, không thông báo khu đất trên đang thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Tp.HCM và chỉ cung cấp bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng cho Trung tâm ca nhạc nhẹ Tp.HCM.
Sau khi có tài sản 185 Hai Bà Trưng, bà Dương Thị Bạch Diệp không đưa vào thay thế tài sản thế chấp tại Agribank như thỏa thuận với ngân hàng, mà tiếp tục dùng tài sản này thế chấp vay 160 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank), khiến Nhà nước mất tài sản là nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.
Thiệt hại của Nhà nước được xác định là hơn 186 tỷ đồng.
Trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Dương Thị Bạch Diệp) kiến nghị HĐXX căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Tố tụng, một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, khi cần xác định tâm thần của người cần bị buộc tội, nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ.
Luật sư Phan Trung Hoài nêu lý do là theo giấy xác nhận, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh của Bệnh viện 30 Tháng 4 (Bộ Công an) gửi đến Bệnh viện Tâm thần Tp.HCM, xác định can phạm Dương Thị Bạch Diệp trầm cảm nặng, rối loạn giấc ngủ….
Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, và có quyết định trưng cầu giám định tình trạng sức khỏe tâm thần của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp.
Sau khi hội ý, HĐXX thông báo để xác định tính hợp pháp các tài liệu luật sư cung cấp, HĐXX sẽ tiến hành triệu tập gấp ở phiên tòa ngày mai (5/10) đối với những người liên quan đến việc xác nhận tình trạng bệnh của bị cáo Diệp.
Đồng thời, HĐXX sẽ triệu tập một bác sĩ chuyên khoa theo dõi sức khỏe cho bị cáo Diệp xuyên suốt phiên tòa.
Theo HĐXX, quá trình xét xử sẽ tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ chuyên khoa về tình trạng sức khỏe bị cáo Diệp.
Theo bản án sơ thẩm trước đó, HĐXX tuyên bị cáo Dương Thị Bạch Diệp tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thành Tài 5 năm tù, Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 4 năm tù, cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồ Duy