Ngày 4/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Thủ Đức, Tp.HCM, cho biết đơn vị vừa triệt phá 2 đường dây làm giả bằng cấp, giấy tờ, sổ đỏ, CCCD gắn chip.
Thực hiện theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an Tp.HCM về việc đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, qua nắm địa bàn Công an Tp.Thủ Đức phát hiện 2 nhóm làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan nhà nước nên lên kế hoạch triệt phá.
Công an Tp.Thủ Đức nắm được thông tin các đối tượng chuyên làm giả giấy tờ, sổ đỏ, CCCD gắn chip... cho những người có nhu cầu làm nhanh hoặc những kẻ sử dụng để làm những việc phi pháp.
Đến ngày 29/9, công an xác định 3 đối tượng gồm Nguyễn Văn Thái (30 tuổi); Võ Văn Tư (34 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi); Phạm Văn Triều (40 tuổi, quê Bạc Liêu) tổ chức làm giả giấy tờ nên tiến hành bắt giữ.
Tư và Thái khai ở chung tại một phòng trọ tại phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức. Thời gian ở chung, Thái biết Tư giỏi công nghệ nên mua máy móc, thiết bị để cùng làm giả giấy tờ. Thái còn thỏa thuận với Tư nếu tìm được khách làm giả giấy tờ thì nhận lời rồi giao lại cho Thái để 2 bên cùng có lợi.
Để kiếm được nguồn khách, nhóm này tạo trang mạng để quảng cáo làm các loại giấy tờ giả. Làm xong các loại giấy tờ giả, Thái và Tư thuê Triều đi giao đi giao cho khách với tiền công 100.000 đồng - 300.000 đồng.
Qua kiểm tra, công an thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu dùng cho việc in ấn cùng nhiều bộ giấy tờ, bằng tốt nghiệp, sổ đỏ và CCCD gắn chip giả.
Trước đó, Công an Tp.Thủ Đức cũng triệt phá một đường dây tương tự do Nguyễn Văn Duy (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), Trần Đình Nam (31 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Phạm Duy Linh (22 tuổi, quê Bình Định) cầm đầu.
Theo hồ sơ điều tra, Duy bị Công an huyện Nhà Bè truy nã nên dùng CMND giả để thuê căn nhà ở TP Thủ Đức. Sau đó, Duy lên kế hoạch làm giả bằng tốt nghiệp, các loại tài liệu, giấy tờ khác cho những người có nhu cầu để lấy tiền tiêu xài. Duy tự trang bị máy vi tính, máy in màu, máy photocopy để làm bằng giả.
Tiếp đó, Duy thuê Nam và Linh giúp sức với tiền công 10 triệu đồng/tháng để làm giả các tài liệu. Nhóm đối tượng đăng thông tin nhận làm bằng giả lên các trang mạng xã hội để tìm khách. Khi khách có nhu cầu, Duy sẽ liên hệ rồi ra giá 500.000 đồng đến 2 triệu đồng (tùy loại giấy tờ).
Theo cơ quan công an, nhóm đối tượng này còn tinh vi khi tạo mẫu con dấu rồi in ra và dùng máy chiếu, keo nhựa trong suốt khắc thành mặt dấu mộc và lên mạng tìm mẫu chữ ký của người có thẩm quyền cấp bằng tương ứng với từng thời gian. Riêng Duy còn quan sát chữ ký trên máy tính và trực tiếp ký giả vào phôi tạo thành bằng cấp hoàn chỉnh. Xong xuôi, Duy gửi bằng cấp đã làm giả cho khách hàng qua bưu điện hoặc shipper.
Khám xét chỗ ở của các đối tượng, công an thu giữ nhiều máy móc, thiết bị, phôi bằng và các giấy tờ mà nhóm này làm giả chưa kịp giao cho khách.
Han (t/h từ Zing News, Người Lao động)