Tân sinh viên được trao áo blouse trong buổi khai giảng ngày 4-10 - Ảnh: T.PHONG
Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP.HCM - cho biết trong mô hình này, cả 2 bên sẽ cùng tham gia vào toàn bộ quá trình xét tuyển và đào tạo, trong đó sẽ dành thời lượng tối đa cho thực hành và học ngay tại bệnh viện.
Ngày 4-10, khóa đầu tiên của mô hình liên kết trên chính thức khai giảng. Chương trình học sẽ kéo dài 3 năm.
Ngoài ra, ông Lý cho biết bệnh viện có liên kết với ngân hàng cho các sinh viên có nhu cầu được vay vốn học tập với mức lãi suất rất thấp. Nếu được nhận chính thức vào làm, sinh viên có thể được bệnh viện hoàn trả lại chi phí đào tạo.
"Chương trình nhằm phần nào góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành điều dưỡng tại các bệnh viện TP.HCM" - ông Lý nói.
Trước đó vào sáng 30-9, Sở Y tế TP.HCM thông báo dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện.
Cụ thể, nếu như năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì trong năm 2022 chỉ còn 781 người nộp đơn tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (giảm 66%).
Tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
TTO - Sáng 30-9, Sở Y tế TP.HCM thông báo dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn, khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp số đã nghỉ việc.