Người học lái xe bị mắng “xối xả”
Mới đây trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ về clip một học viên học lái xe đang bị người dạy lái mắng “xối xả” vì không biết sử dụng các bộ phận trên xe.
Clip được chia sẻ rầm rộ trên nhiều trang mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip) |
Theo đoạn clip có thể thấy, người học lái xe là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, trong quá trình học lái xe người này không biết sử dụng cần gạt số và còn hỏi phanh ở đâu. Người dạy lái ngồi bên cạnh tỏ ra rất bức xúc và chỉ dẫn cho người phụ nữ này, tuy anh này liên tục sử dụng những ngôn ngữ tục tĩu để nói với người phụ nữ.
Sau khi clip được chia sẻ cũng gây phẫn nộ cho nhiều người, nhiều người cho rằng khi học lái xe đã áp lực mà còn bị giáo viên mắng chửi như vậy sẽ càng khó xử lý hơn.
“Chị này có thể gọi đến trung tâm dạy lái xe yêu cầu đổi giáo viên ngay chứ sao lại để bị chửi vậy”- thành viên của một nhóm mạng xã hội cho ý kiến.
Trao đổi với PLO, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Khi xem clip này chắc chắn rằng nhiều người sẽ rất bất bình, thậm chí có thể bức xúc vì những lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa của một người mang danh là thầy dạy lái xe. Chưa biết mối quan hệ giữa người đàn ông dạy lái xe và người phụ nữ đang tập lái xe này như thế nào, tuy nhiên qua đoạn clip cho thấy người đàn ông này không có kỹ năng sư phạm.”
Theo luật sư Cường, người này không biết cách truyền đạt những nguyên tắc cơ bản khi điều khiển phương tiện giao thông, hướng dẫn người phụ nữ lái xe không theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào mang tính chất mô phạm mà chỉ điều khiển từng động tác một mà không giải thích mục đích ý nghĩa của những thao tác đó khiến cho cô gái luống cuống và kèm theo đó là những câu chửi thề...
“Trong clip cho thấy cô gái rất kiên nhẫn và gần như không có phản ứng gì trước những câu chửi thề tục tĩu của thầy dạy lái. Tình huống này có thể giữa người dạy lái và người tập lái xe là hai vợ chồng, là người yêu, bạn bè hoặc cũng có thể là giữa học sinh và giáo viên của một cơ sở dạy lái xe nào đó. Nếu là mối quan hệ xã hội, quan hệ tình cảm hướng dẫn cho nhau, do quen biết, quý mến mà có những câu nói suồng sã, tục tĩu thì có thể thông cảm được. Tuy nhiên nếu đây là một hoạt động dạy lái xe của một cơ sở đào tạo lái xe, người đàn ông trong clip là thầy giáo dạy lái xe thì hành vi này không thể chấp nhận được”- luật sư cho hay.
Quy định về giáo viên dạy lái xe
Luật sư Cường phân tích thêm, pháp luật hiện nay quy định giáo viên dạy lái xe ở các cơ sở đào tạo phải có kĩ năng, nghiệp vụ, trình độ và đạo đức phù hợp. Cụ thể, nghị định 138/2018 quy định cụ thể những tiêu chuẩn về giáo viên dạy lái xe ô tô, Giáo viên dạy lái xe ô tô phải đáp ứng những điều kiện cụ thể đó là: “Điều 8. Tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe, Giấy chứng nhận và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe ô tô:
1. Tiêu chuẩn chung: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
2. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;
3. Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 5 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
Người phụ nữ học lái xe liên tục bị người đàn ông mắng. (Ảnh cắt từ clip trên MXH) |
Theo quy định trên Nghị định 138/2018 quy định cụ thể những tiêu chuẩn về giáo viên dạy lái xe ô tô, thì giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Tiêu chuẩn chuyên môn với giáo viên dạy nghề trình độ sơ cấp được quy định tại thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH: Khoản 1 Điều 2 Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH Quy định chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp quy định: Chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các yêu cầu cơ bản về năng lực nghề nghiệp mà nhà giáo cần đạt được nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ đào tạo. Theo đó, Thông tư này quy định về 9 tiêu chuẩn của nhà giáo rất chi tiết cả về bằng cấp, đạo đức, kỹ năng…
“Quy định của pháp luật đã quy định rất chi tiết về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên dạy lái xe, phải là người có trình độ nghiệp vụ, có kỹ năng sư phạm và phải qua đào tạo. Trải qua quá trình đào tạo và có kỹ năng sư phạm như vậy thì người thầy sẽ được đào tạo về đạo đức, về văn hóa, về kĩ năng truyền đạt và cách ứng xử đối với học viên”- luật sư nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Cường, trường hợp giáo viên dạy lái xe không đủ điều kiện tiêu chuẩn, không đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm thì có thể xảy ra những hiện tượng mâu thuẫn xung đột, những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực và không đạt hiệu quả trong quá trình giảng dạy.
“Bởi vậy nếu clip này là một tình huống dạy lái xe của cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe thì đó là điều tồi tệ. Cần phải xem xét lại tư cách đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người thầy này để xem xét xử lý kỷ luật hoặc có thể cho thôi việc... Còn nếu trường hợp mối quan hệ giữa hai người này là quan hệ bạn bè, người dạy lái xe chỉ là người biết lái xe trước, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, không được đào tạo, không có nghiệp vụ sư phạm và không phải là cán bộ, giáo viên của một cơ sở đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe thì những ứng xử, những phát ngôn tục tĩu của người này cũng đáng chê trách”- luật sư nói.