Thí sinh trong kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính các tỉnh thành phía Nam do Bộ Nội vụ tổ chức tại Học viện Hành chính quốc gia ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là kế hoạch theo đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị do UBND TP.HCM vừa ban hành.
Trao đổi về việc này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng: "Muốn thi tuyển đạt kết quả tốt phải có một hội đồng thi cực kỳ chuyên nghiệp và phải hiểu rõ thế nào là năng lực, còn không hiểu sẽ rất dễ chọn sai người".
Nếu không được giám sát chặt có thể xảy ra tiêu cực trong kỳ thi. Việc chạy chức, chạy quyền bấy lâu đã và đang phá hỏng môi trường công vụ.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Có thể hạn chế tham nhũng, tiêu cực
* Ông đánh giá chủ trương thi tuyển thay vì đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý của TP.HCM phù hợp với bối cảnh hiện nay?
- Ở các nước có nền hành chính chuyên nghiệp, hình thức thi chỉ để tuyển người vào làm công chức ban đầu. Sau khi đã làm công chức rồi họ sẽ đề bạt, bổ nhiệm bằng cách đo thành tích thực tế.
Bối cảnh nền hành chính ở nước ta thời gian qua có hiện tượng chạy chức, chạy quan hệ, thành ra nếu thi tuyển thực chất sẽ hạn chế được thực trạng đó, dù hình thức thi đôi lúc học tài thi phận, có thể không chọn chính xác được người giỏi.
Về lâu dài nên áp dụng các giải pháp tiên tiến như các nước để đánh giá đo được mức độ tài năng của công chức, viên chức bằng hiệu quả công việc để đề bạt, bổ nhiệm thay vì thi tuyển.
* Đối tượng được đăng ký dự tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM, không giới hạn đơn vị, nằm trong nguồn quy hoạch của chức danh cần thi tuyển hoặc tương đương. Ông đánh giá như thế nào về các đối tượng được dự thi?
- Việc tổ chức bộ máy của TP.HCM hiện bị ảnh hưởng bởi những quy định lớn hơn của quy chế cán bộ công chức của Trung ương và các luật cán bộ, công chức, viên chức. Người chưa nằm trong quy hoạch và không phải công chức, viên chức hiện sẽ không được thi.
Thi tuyển, bổ nhiệm hay đề bạt công chức, viên chức đều quan trọng, nhất là tìm được người tài, bổ sung được những kỹ năng điều hành sáng tạo cho lĩnh vực công.
Việc mở rộng đối tượng thi ra cho lĩnh vực tư rất quan trọng và cần thiết. Do vậy nếu có điều kiện, TP.HCM nên kiến nghị Trung ương cơ chế để mở rộng đối tượng thi tuyển ra cả những người chưa được quy hoạch, chưa phải là công chức, viên chức. Từ đó, TP có thể xem xét những lĩnh vực cần mở rộng đối tượng để thu hút người giỏi vào làm việc.
Thi đủ kiến thức, thái độ và kỹ năng
TS Nguyễn Sĩ Dũng
* Vậy để thực chất chọn được người có tài, có tâm vào bộ máy, việc thi nên tổ chức như thế nào để đạt hiệu quả?
- Cần nhìn nhận chúng ta chưa có kinh nghiệm cũng như năng lực trong việc tổ chức thi.
Việc tổ chức thi hiện nay thường chủ yếu thi về mặt kiến thức. Trong khi thi để chọn người tài quản trị công việc công phải có hệ thống đề thi khác, không chỉ thi kiến thức.
Để lựa chọn người có năng lực phải toàn diện trên ba tiêu chí là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Ngoài phần thi kiến thức phải có phỏng vấn để xem thái độ người dự thi như thế nào, có cống hiến, công tâm và sẵn sàng hy sinh cá nhân để thúc đẩy việc công không.
Phần thi kỹ năng xử lý tình huống cũng vô cùng quan trọng để đánh giá năng lực giải quyết công việc thực tế của người thi.
Để làm được việc này với hệ thống hành chính công là thách thức lớn nhưng muốn việc thi tuyển thực chất và đạt mục tiêu cao nhất là tuyển chọn được người có tài, có tâm chắc chắn phải làm.
Chúng ta nên học hỏi các công ty tư nhân khi tuyển người. Có nhiều công ty tổ chức thi tuyển với tỉ lệ chọi cao và trong phần thi luôn đầy đủ cả phần thi kiến thức, phỏng vấn thái độ và kỹ năng để làm công việc cụ thể.
* Ông nói về lâu dài nước ta nên áp dụng các giải pháp tiên tiến của các nước để đề bạt, bổ nhiệm công chức, viên chức bằng cách đo thành tích thực tế, thay vì thi tuyển. Việc đánh giá đó được thực hiện như thế nào?
- Tuyển công chức, viên chức quan trọng nhất là đầu vào nên ở các nước họ tuyển đầu vào bằng hình thức thi tuyển quốc gia. Những người thi đậu thực sự có tài năng và sẽ được tuyển dụng vào bộ máy hành chính.
Ví dụ TP.HCM thiếu công chức, viên chức sẽ tuyển những người đã thi đậu và có chứng chỉ đã đậu kỳ thi quốc gia để làm công chức, viên chức và không tuyển người ngoài.
Sau khi tuyển chọn vào làm công chức, người ta đo bằng thành tích thực tế để đề bạt thăng chức. Tức là người ta đưa chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), công chức hoàn thành được xuất sắc hơn mức đó sẽ được đề bạt.
Mô hình này đảm bảo người được đưa lên chắc chắn giỏi và làm được việc. Bởi vậy, có những người rất trẻ nhưng được đưa lên rất nhanh bởi họ xuất sắc hơn những người khác trong chỉ số đó.
Đó cũng là động lực để bản thân công chức cống hiến. Việc này cũng đồng thời áp đặt người đứng đầu phải có trách nhiệm chọn người tài. Ví dụ, giám đốc sở giao thông vận tải phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc hoàn thành các công việc liên quan đến lĩnh vực giao thông, vận tải. Khi đó, giám đốc sẽ công tâm chọn người tài, họ không thể đưa người không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu vào bộ máy.
* Tuyển chọn người tài, người giỏi thường đi đôi với việc phải có chế độ làm việc, lương bổng hợp lý. Theo ông, vấn đề này nên giải quyết thế nào?
- Thực chất muốn tuyển người tài quan trọng là lương, bởi nếu lương không đủ sống, nhiều người sẽ sử dụng quyền năng trưởng phòng, phó phòng để có thêm thu nhập, như vậy rất dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Với các chức danh TP.HCM đưa ra thi lần này gắn với quyền năng, lợi ích về sau có thể lớn hơn lương nên người thi có thể có động lực thi vào.
Nhưng những khuyến khích này có thể méo mó nếu lương không được cải cách tương ứng. Bởi vậy, để những người giỏi thật sự cống hiến tạo nên nền hành chính chuyên nghiệp, việc thi phải đi đôi với cải cách chế độ lương bổng.
Các chuyên viên Văn phòng UBND quận Bình Thạnh - bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Ảnh: HỮU HẠNH
Sẽ tổng kết để xác định rõ ưu, nhược điểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết bộ đang được giao tổng kết 5 năm thí điểm thi, tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Hiện bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao làm thí điểm báo cáo và hiện đang tổng hợp các số liệu cụ thể.
Vị này cho hay việc thí điểm thi tuyển thời gian qua đã đạt được một số kết quả và chủ trương chung của Đảng, Nhà nước sẽ mở rộng triển khai thực hiện việc thi tuyển chọn lãnh đạo các cơ quan đơn vị.
Tuy nhiên cần chờ kết quả tổng kết sau 5 năm thí điểm để đánh giá những ưu điểm, hạn chế cũng như nguyên nhân. Từ đó bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những hướng dẫn thêm cho các cơ quan, địa phương thực hiện nội dung này.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Tạo sự công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ
Theo đúng cải cách chế độ công vụ thì việc tổ chức thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, trước hết ở cấp vụ, cấp sở, phòng là phải có. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, tạo sự công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình đề bạt. Khi không tổ chức thi tuyển mà đề bạt, bổ nhiệm sẽ dễ có những thông tin, ý kiến khúc mắc.
Nhưng với các cán bộ trong quy hoạch khi tham gia thi tuyển tốt sẽ được đề bạt tạo ra sự công tâm. Thực tế nhiều địa phương, bộ, ngành đã tổ chức thi tuyển và với TP.HCM cũng đã tổ chức với kết quả đạt tốt. Do đó chúng ta cần khuyến khích.
Đối với việc tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị hiện nay cũng không ảnh hưởng tới việc thi tuyển. Bởi thực tế những người bị tinh giản đều là cán bộ, công chức không đảm bảo chất lượng, còn người ở lại đa số có chất lượng. Việc tổ chức thi tuyển khi đó sẽ tốt hơn, chọn được người xứng đáng, đủ điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thời gian tới tôi cho rằng cần hoàn thiện thêm về quy trình tổ chức thi tuyển. Trong đó có thể mở rộng diện, số lượng cán bộ có thể tham gia thi tuyển. Hiện nay đa số cán bộ, công chức tham gia thi tuyển đều là người thuộc diện quy hoạch ở trong cơ quan, ngành đó. Do vậy nên xem xét có thể mở ra ở các đơn vị, cơ quan khác nhằm chọn được cán bộ lãnh đạo có chất lượng tốt hơn.
THÀNH CHUNG
Thạc sĩ Nguyễn Nhật Khanh (giảng viên khoa luật, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Cần mở rộng đối tượng thi
Hình thức bổ nhiệm hay là thi tuyển đối với lãnh đạo, quản lý chỉ tốt khi làm thực chất. Nếu không làm thực chất, hình thức nào cũng dở. Bên cạnh đó, năng lực của thành viên tham gia hội đồng thi cũng vô cùng quan trọng.
Hiện tại việc thi tuyển công chức do UBND cấp tỉnh thông qua sở nội vụ thực hiện. Chúng ta có thể sử dụng hội đồng đó để thực hiện thi tuyển, miễn sao bảo đảm rằng các thành viên của hội đồng thi phải thực sự khách quan và phải có chuyên môn để đánh giá đúng năng lực của ứng cử viên.
Ở các nước trên thế giới, thành viên của hội đồng thi do cơ quan quản lý công chức quyết định thành lập nhưng hội đồng thi rất cần những người có chuyên môn bên ngoài, để họ có những đánh giá khách quan nhất, ít bị chi phối bởi các yếu tố như mối quan hệ, về tổ chức đảng.
Mặt khác, nếu chúng ta càng mở rộng đối tượng tham gia ứng tuyển càng tăng khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm sẽ càng tốt. Không nên bó buộc đối tượng là những người đang làm việc tại các đơn vị nhà nước.
TTO - Thay vì đề bạt, bổ nhiệm, TP.HCM sẽ thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Ban An toàn giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Công Thương, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND huyện Hóc Môn.