GẶP “NGƯỜI NỔI TIẾNG” MÔN BẮN CUNG
Chúng tôi bông đùa vậy khi gặp anh Nguyễn Duy Minh (SN 1981)- VĐV khuyết tật môn Bắn cung. Bởi, anh đã được lên truyền hình đến 2 lần. Nở nụ cười tươi, anh kể, lần đầu anh xuất hiện trong chương trình “Hát mãi ước mơ” của Đài truyền hình TPHCM. Lần ấy, thấy hoàn cảnh của anh khó khăn nên HLV Tuấn Anh - Chủ nhiệm CLB bắn cung Đinh Võ đã đăng ký chương trình để có chút đỉnh tiền hỗ trợ cho anh.
“Tiếng lành đồn xa” về một cung thủ di chuyển bằng xe lăn nhưng bắn đâu, trúng đó đã giúp anh có mặt tại chương trình “Thách là chơi” 2021. Cuộc biểu diễn càng tăng phần hồi hộp cho cả người chơi lẫn trường quay khi MC Trấn Thành giới thiệu về luật chơi.
Một chiếc bảng bia được đặt ở khoảng cách cố định, để thêm phần kịch tính và thử thách người thi đấu là anh Minh; trước hồng tâm bia Ban tổ chức sẽ để 1 sợi chỉ và nhiệm vụ của anh Minh là bắn đứt sợi chỉ đó để cây cung tên ghim vào hồng tâm. Trong khi cả khán phòng “nín thở” thì anh Minh đã tự tin giương cung lên bắn đứt sợi chỉ trong tiếng reo hò, vỗ tay không ngớt của những người có mặt và cả khán giả theo dõi chương trình.
Anh Minh sinh ra và lớn lên tại TPHCM. Hiện anh vẫn đang sống cùng với gia đình. Năm 1 tuổi, anh bị sốt bại liệt nên từ đó đến nay anh phải di chuyển bằng xe lăn. Anh vẫn theo học văn hóa tại trường khuyết tật nhưng đến năm lớp 7 vì nhà không đủ điều kiện nữa nên anh đã phải nghỉ học giữa chừng.
Kể từ đó, hàng ngày, trên chiếc xe lăn, anh rong ruổi các tuyến đường, góc phố Sài Gòn để bán vé số mưu sinh. Anh nhớ lại, khoảng năm 2002, anh bắt đầu đăng ký học lớp xe lăn đua, tập luyện ở sân vận động Thống Nhất do thầy Đặng Văn Phúc hướng dẫn.
Môn này đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, một đôi tay rắn chắc nên việc luyện tập dày đặc, vậy mà anh Minh vẫn kiên trì theo đuổi. Anh tập trung đến mức hầu như không bỏ một buổi tập nào. Nếu hỏi anh có gặp khó khăn nào không thì chẳng phải là thừa hay sao, bởi có những lúc cái khó khăn ấy, nếu chỉ dùng 1 từ, 2 từ hay vài câu nói cũng không thể nào diễn tả hết được.
Nhiều khi, anh cùng đồng đội phải tập luyện dưới ánh nắng chói chang, mồ hôi nhễ nhại nhưng cũng giống như môn đua xe lăn, đôi mắt anh cũng phải luôn nhìn thẳng về trước và tiến tới đầy kiêu hãnh, vì dừng lại thì đã là bỏ cuộc.
Năm 2008, anh sướng rơn khi nhận được chiếc HCV đầu tiên của bộ môn này. Bao mùa mưa nắng đi qua, anh vẫn trên chiếc xe lăn bán vé số để tiếp tục duy trì, theo đuổi đam mê thể thao của mình. Anh khoe, kể từ đó đến năm 2015; bộ sưu tập của anh ngày một nhiều hơn, đủ màu huy chương ở các giải đấu quốc gia.
Sau đó, anh đã chính thức “từ giã” môn xe lăn đua vì tuổi tác, sức khỏe không cho phép; đặc biệt là vì anh đã lập gia đình. Kể về mối nhân duyên với vợ, anh cho biết anh gặp cô gái tên Nguyễn Hương Giang (Hà Nội) trong một giải đấu. Giang cũng là VĐV khuyết tật môn điền kinh và cũng gặt hái được nhiều thành tích đáng nể.
Cũng trong năm 2015, cả hai nên duyên vợ chồng và hiện đã có một cô con gái 5 tuổi. Nói đoạn, giọng anh chùng xuống: “Kể từ ngày có con nhỏ, vợ cũng phải ở nhà chăm con. Cả hai bên gia đình đều khó khăn về kinh tế, nên 3 năm nay, vợ và con gái phải sống tại Hà Nội.
Hàng ngày, nhớ vợ, nhớ con, anh cũng chỉ gọi nói chuyện qua video call. Thậm chí, nhiều khi gom góp được chút đỉnh tiền, anh cũng chỉ chuyển khoản ra cho vợ nuôi con chứ không dám mua vé máy bay ra thăm vì sợ tốn kém”.
Dù phải sống xa nhau, nhưng vợ con luôn là chỗ dựa về tinh thần, tiếp thêm cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục với niềm đam mê thể thao. Khi không còn là VĐV xe lăn đua, anh chuyển học chơi môn Boccia và đánh dấu bằng một tấm HCB trong 1 giải đấu quốc gia.
Năm 2020, anh chính thức chuyển sang môn bắn cung 1 dây và xác định đây mới là đam mê thật sự của mình. Mỗi khi có giờ tập luyện, anh sẽ tự điều khiển xe máy đến 2 điểm tập là quận 5 và quận Gò Vấp để tiếp tục sống trọn với đam mê. Những tấm huy chương bộ môn này đã trở thành nguồn đồng lực để anh mong muốn được thử thách với những “cuộc đua” mới mang vinh quang về cho CLB, cho nước nhà.
NGÔI NHÀ HUY CHƯƠNG
Đã bước qua tuổi 44 nhưng chị Nguyễn Thị Gái vẫn tràn đầy năng lượng. Chị là VĐV khuyết tật thể liệt não môn Boccia.
Sinh ra ở Bình Định, ngay từ nhỏ chị bị khuyết đa tật bẩm sinh, vừa bại liệt 2 chân, vừa liệt não. Một đứa trẻ với cơ thể không lành lặn khiến chị cũng mang trong mình nhiều nỗi mặc cảm không biết thổ lộ cùng ai.
Tuổi thơ đầy cơ cực rồi cũng trôi qua. Đến độ trưởng thành, chị Gái rong ruổi vào Sài Gòn kiếm sống.
Ngày đầu chân ướt, chân ráo đến mảnh đất lúc nào cũng sôi động, náo nhiệt này, mọi thứ quá đỗi bỡ ngỡ đối với một cô gái khuyết tật. Nhưng chị Gái vẫn gắng bám trụ để tự lập vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Chị đi bán vé số để có tiền trang trải nhà trọ và chi tiêu qua ngày.
Năm 2015, nghe người ta nói có môn thể thao dành cho người khuyết tất, chị tự lên trung tâm quận Tân Bình để tìm hiểu về Boccia. Những ngày đầu tập chơi, chị thấy rất hứng khởi và phù hợp nên đã mạnh dạn xin tham gia vào CLB. Do có đam mê với Boccia nên chị Gái theo học rất nhanh và được các HLV đánh giá cao về năng lực.
Đúng như kỳ vọng, ngay lần đầu thi môn này ở giải đấu quốc gia diễn ra tại Đồng Nai, chị Gái đã xuất sắc đạt được HCV. Chị hào hứng chia sẻ, kể từ đó năm nào chị cũng được chọn là VĐV đi thi các giải đấu trong nước và đều mang về nhiều huy chương các loại.
Nhắc tới giải đấu ở Đồng Nai, chị Gái bẽn lẽn, cũng trong lần đầu thi đấu đó, chị gặp được anh Nguyễn Kiên (SN 1979)- VĐV xe lăn đua thuộc đội tuyển Đồng Nai. Từ sự đồng cảm về hoàn cảnh; đồng điệu giữa hai tâm hồn, hai anh chị đã chính thức hẹn hò.
Kết thúc 7 năm quen nhau là một cái lễ cưới ấm cúng, giản đơn; chị Gái đã dọn về Biên Hòa sống cùng chồng được 4 năm.
Nói về chồng, chị Gái cũng rất tự hào khi trong nhà giờ khắp nơi đều có huy chương của cả 2. Dù phải ngồi trên xe lăn nhưng ngoài giờ tập luyện, chồng chị còn đi làm phụ chế xe 3 bánh để lo trang trải cho gia đình. Anh cũng đã chinh chiến nhiều giải đấu quốc gia cũng như Para Games và mang về 41 huy chương các loại.
Trong khi đó, chị cũng đang cố gắng tập luyện để có thể được thử sức tại giải đấu lớn Para Games trong năm tới.
Chị Gái cho biết: Môn Boccia đòi hỏi người chơi phải tập luyện thường xuyên với bộ banh tròn. Nhiều khi vào giai đoạn chuẩn bị cho giải đấu, một tuần phải có mặt tại trung tâm 3-4 buổi. Do khoảng cách từ Biên Hòa lên thành phố là khá xa, rất bất tiện cho việc đi lại, nên chị đã thuê nhà trọ trên thành phố để tiện di chuyển nhằm đảm bảo cho việc tập luyện.
Cũng có thời gian chị làm cắt chỉ cho tổ hợp may, nhưng do không đảm bảo thời gian nên chị đành phải nghỉ. Cuối cùng, chị lại quay trở về với nghề bán vé số, nửa ngày đi tập, nửa ngày đi “kiếm cơm” để trả tiền thuê nhà phục vụ cho việc tập luyện. Chị kể, có nhiều ngày đang trên đường đi tập luyện thì mưa gió mù trời, nước ngập gần hết xe lăn nhưng vẫn ráng đến điểm tập đúng giờ.
Khó khăn, vất vả không thể nói hết bằng lời nhưng nhờ có thêm điểm tựa tinh thần từ chồng, chị Gái đều cố gắng vượt qua để được sống trọn vẹn với đam mê. Bởi theo chị Gái, nếu không được đi tập thì chị thấy lòng cứ buồn buồn; mà cứ đến sân tập là lại vui như hội.
Hôm gặp chúng tôi, chị Gái vui vẻ khoe được người chồng chở đi tập luyện. Chỉ vào bộ banh tập của Ban tổ chức và chiếc xe lăn mượn; chị Gái cho hay: giờ mong muốn của chị là có được bộ banh riêng để tự tập luyện và chiếc xe lăn để tiện cho việc di chuyển; nhưng với cuộc sống khó khăn như vậy thì điều đó đôi khi lại trở nên xa xỉ vô cùng…
Xem thêm: lmth.788731_ogn-tab-neyud-nen-couc-2-yk/gnos-iod/nv.moc.nagnoc