Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành dựa trên đề xuất của TP HCM, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022.
Sau gần 5 năm TP HCM thực hiện cơ chế, tại báo cáo gửi Quốc hội ngày 4/10, Chính phủ nhìn nhận, hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công... chưa được TP HCM tận dụng.
Chẳng hạn, về quyền quyết định tăng các khoản thuế, phí, và lệ phí, TP HCM mới tăng mức thu phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp, giúp ngân sách thêm gần 133 tỷ đồng. Các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương... chưa thực hiện.
Sau áp dụng cơ chế đặc thù, thành phố mới thu hút được 10 chuyên gia, người có tài năng đặc biệt. Nhìn nhận kết quả mới đạt bước đầu nhưng theo TP HCM, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đã giúp khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám" và tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Vì thế, thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì thí điểm thời gian tới.
Những hiệu quả chưa như mong đợi sau thời gian thí điểm một số cơ chế đặc thù cũng được Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi nêu tại phiên họp hồi tháng 7, giám sát chuyên đề của HĐND TP HCM khoá X về Nghị quyết 54. Một trong những nguyên nhân được ông nêu, là nhiều vấn đề thành phố vẫn phải hỏi ý kiến bộ ngành. Trong khi đó, bộ ngành lại yêu cầu thành phố xem xét theo quy định pháp luật chung mà không áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết.
Sau khi đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chính phủ kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm nay và đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc trong tháng này.
Cùng đó, Chính phủ kiến nghị, sau khi TP HCM tổng kết thực hiện Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 và thực hiện Nghị quỵết số 54, sẽ báo cáo Bộ Chính trị cho phép thành phố thí điểm một số cơ chế đặc thù vượt trội. Việc này để đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới.
Tuy vậy, việc thí điểm một số cơ chế đặc thù trong gần 5 năm qua cũng giúp kinh tế TP HCM khởi sắc, trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của 5 năm trước đó. Nhưng do tác động dịch bệnh, thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% năm 2020, và -6,78% năm 2021.
Năm 2022 ghi nhận sự phục hồi, với mức tăng trưởng bình quân nửa đầu năm đạt 3,82%.
Chính phủ đánh giá, nhờ cơ chế đặc thù, các dự án đầu tư nhóm A (dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hạ tầng khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao...) được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình trung ương thẩm định. Từ đó, giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sử dụng vốn hiệu quả và sớm đưa công trình dự án vào vận hành.
Giai đoạn thí điểm, HĐND TP đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A, tổng vốn hơn 12.954 tỷ đồng từ ngân sách; điều chỉnh chủ trương đầu tư một dự án từ nhóm B lên nhóm A, tổng vốn tăng thêm 3.447 tỷ đồng.
Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP HCM chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Khoảng 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (kỳ hạn 20 năm, 30 năm) được TP HCM phát hành trong 3 năm (2018-2021). Số vốn vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, hơn, gần 11.390 tỷ đồng. Mức dư nợ đến cuối 2021 bằng xấp xỉ 32% mức dư nợ cho phép, hơn 24.160 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố đã điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng; năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Chính sách thu nhập tăng thêm đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân. Vì vậy, thành phố cho rằng cần tiếp tục chính sách này và bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm...
Anh Minh