Ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - Ảnh: THU DUNG
Ông Hưng nói, ngày đầu cấm xe để khắc phục sự cố, người dân chưa nắm được thông tin nên có bỡ ngỡ, khó khăn cho việc đi lại. Cơ quan chức năng tổ chức điều tiết, tuyên truyền thông tin, nên tình hình giao thông khu vực này đã ổn định.
* Có thông tin khi thi công hệ thống thoát nước thuộc dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh, đơn vị thi công không nắm hồ sơ thiết kế công trình ngầm?
Thời gian vừa qua, để thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ (Sở Giao thông vận tải) đã bàn giao mặt bằng, cầu và tài liệu cho Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông TP (chủ đầu tư).
Mọi hạng mục thi công do chủ đầu tư điều hành, sở không quản lý, triển khai thi công dự án đó. Cho nên nói rằng có hồ sơ hay không có hồ sơ công trình ngầm sẽ do Ban Giao thông làm rõ vấn đề này. Ban Giao thông phải báo cáo sở để báo cáo TP.
* Các bó cáp dự ứng lực ngầm có lớp bảo vệ rất kỹ và được đặt trong mương bê tông. Đáng ra, khi đào thấy hệ thống này thì phải dừng thi công. Vậy sở có khi nào nhận được báo cáo hay phản ánh của nhà thầu và đơn vị liên quan về việc đụng phải công trình ngầm?
Tôi khẳng định là Sở Giao thông vận tải không nhận được thông tin về việc này. Sở dĩ, phát hiện ra sự cố này là do Trung tâm Quản lý hạ tầng đường bộ trong quá trình quản lý thấy cầu xuống cấp. Trung tâm lập tức khảo sát và phát hiện các bó cáp ngầm bị đứt...
Cáp dự ứng lực ngầm của nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được chụp khi khoan thăm dò - Ảnh: ĐỨC PHÚ chụp lại.
* Khi thi công và đặc biệt là ở vị trí nhạy cảm dưới chân, bệ cầu hiện hữu, thông thường, các đơn vị thi công có phải dò tìm hoặc khảo sát trước hệ thống ngầm trước khi làm?
Về nguyên tắc, khi triển khai một dự án, chủ đầu tư phải lấy ý kiến của các đơn vị quản lý hạ tầng, cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông. Hầu hết, khi tổ chức cấp phép thi công, cơ quan quản lý cũng phải xem xét chủ đầu tư đã thực hiện vấn đề này hay chưa.
* Hiện trách nhiệm các bên đã được xác định hay chưa?
Hiện tổ điều tra sự cố đang tiến hành đánh giá nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm các bên liên quan. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm có nhiều bên. Công trình đang giao cho Ban Giao thông thực hiện dự án nâng cấp sửa chữa đường. Theo quy định, khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và nhà thầu thi công sẽ có trách nhiệm xử lý để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại.
Nói như vậy không phải là để đẩy trách nhiệm. Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, nhìn chung công trình có an toàn hay không, giao thông có được đảm bảo hay không, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải vẫn phải theo dõi, điều hành, tổ chức giao thông.
* Phương án khắc phục sự cố cây cầu này hiện ra sao và có ý kiến cho rằng, cầu đã khai thác 20 năm, đã nhiều lần sửa chữa, liệu có nên xây lại cầu mới?
Ban Giao thông cũng đã đưa ra phương án sửa chữa. Hiện các nhà khoa học, chuyên gia và các sở ngành liên quan những ngày qua đang xem xét phương án tối ưu với mục tiêu nhanh, gọn nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ngày 5-10, chúng tôi đã họp góp ý về phương án và đề nghị Ban Giao thông sớm hoàn thiện.
TP đã có quyết định lập ra tổ điều tra sự cố công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Tổ sẽ đánh giá tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục và sau đó báo cáo UBND TP. Trường hợp cần thiết, tổ sẽ đề xuất TP thuê một tổ chức để thực hiện giám định chất lượng công trình phục vụ cho việc đánh giá.
Phải xong bước này thì mới có thể đánh giá các phương án, khắc phục ra sao, sửa chữa thế nào hay có nên đầu tư mới không. Từ kết quả đánh giá cũng mới có thể xác định được kinh phí khắc phục sự cố nêu trên.
TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục sự cố cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).