Hai bãi cát khổng lồ nằm trong khu bảo tồn - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 5-10, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị này vừa có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Ea Kar thông tin phản hồi về bài báo Tự ý mở bãi tập kết cát ‘khủng’ trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị hai sở và UBND huyện Ea Kar làm rõ việc doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét, tận thu cát đã tự ý mở bãi tập kết trái phép, mở đường chở cát xuyên khu bảo tồn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự đa dạng hệ sinh thái nơi đây.
Căn cứ quy định về phản hồi thông tin báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, có văn bản phản hồi báo Tuổi Trẻ trước ngày 10-10.
Bãi cát trái phép và tuyến đường xuyên rừng - Ảnh: TRUNG TÂN
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã nắm thông tin trên báo Tuổi Trẻ và sẽ báo cáo chủ tịch UBND tỉnh để yêu cầu ngành chức năng kiểm tra toàn diện dự án nạo vét, tận thu cát.
"Nếu doanh nghiệp thực hiện dự án đúng thì không sao, chứ sai là phải xử", ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Sỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk, cũng có công văn trả lời các câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ.
Theo ông Sỹ, việc tham mưu cấp phép cho Công ty cổ phần quốc tế Sông Hồng hoạt động trong lòng hồ thủy điện, tập kết vật liệu nạo vét do Sở Công Thương Đắk Lắk tham mưu.
Về thủ tục thu hồi khoáng sản sau nạo vét để bán ra ngoài, ông Sỹ cho rằng doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp bản xác nhận khối lượng cát làm vật liệu xây dựng thông thường thu hồi trong quá trình nạo vét dự án hồ thủy điện ngày 4-7-2022.
Bãi tập kết cát được quy hoạch và tuyến đường cho doanh nghiệp sử dụng tạm - Ảnh: TRUNG TÂN
Còn ông Lưu Văn Khôi, giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết mới nắm sự việc bãi tập kết cát trái phép trong khu bảo tồn qua báo Tuổi Trẻ. "Lãnh đạo UBND tỉnh cũng mới điện, yêu cầu đơn vị kiểm tra thực tế, hồ sơ dự án để trả lời báo chí", ông Khôi thông tin.
Về tuyến đường vận chuyển cát xuyên khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, từ bãi tập kết trái phép ra ngoài, ông Mai Trọng Dũng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, khẳng định đã phát hiện và ngăn chặn.
Lãnh đạo khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã làm việc, yêu cầu Công ty cổ phần quốc tế Sông Hồng dừng việc vận chuyển cát trên tuyến đường này sau ngày 15-10 và chỉ sử dụng tuyến đường nhựa quốc lộ 29 cũ đã được phê duyệt.
Ông Dũng cũng cho rằng việc Công ty cổ phần quốc tế Sông Hồng nạo vét, vận chuyển cát qua khu bảo tồn ít nhiều có ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cư trú của một số loài động vật hoang dã. Nên đơn vị yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học khu bảo tồn.
Doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục đã bán cát
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 27-1-2022, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi hồ chứa nước Krông H’Năng (thuộc huyện Ea Kar và M’Đrắk) cho Công ty cổ phần quốc tế Sông Hồng (Hà Nội).
Doanh nghiệp được nạo vét trên diện tích hơn 313ha tại hồ chứa nước Krông H’Năng, cách tuyến đập 2km với tổng khối lượng nạo vét là 400.000m3/năm, bằng hình thức bơm, hút từ 9 tàu (công suất 400m3/giờ).
Đến ngày 4-7-2022, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản xác nhận khối lượng cát thu hồi từ hoạt động nạo vét mà doanh nghiệp được khai thác, bán ra thị trường là hơn 6,5 triệu m3, trong 5 năm.
Doanh nghiệp thừa nhận chưa hoàn thành thủ tục đã khai thác, bán cát - Ảnh: TRUNG TÂN
Tất cả nguồn cát tận thu đều phải đưa về bãi tập kết 2,6ha để ngành chức năng kiểm tra, kê khai tính thuế khoáng sản theo quy định. Bãi tập kết phải có hệ thống cân, camera kết nối đến Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk để giám sát.
Doanh nghiệp cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho sử dụng đường quốc lộ 26 cũ, dài khoảng 600m để vận chuyển cát từ bãi tập kết ra quốc lộ 29 hiện hữu đem đi tiêu thụ.
Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp phải phục hồi hiện trạng môi trường ban đầu cho bãi tập kết, tuyến đường. Công ty cổ phần Sông Hồng phải ký quỹ hơn 920 triệu đồng để đảm bảo việc phục hồi môi trường sau khi dự án kết thúc.
Không chỉ vậy, để được tận thu, bán cát, theo quyết định ngày 27-1-2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, doanh nghiệp phải lập hồ sơ, thủ tục thu hồi khoáng sản trong quá trình nạo vét đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, đất đai, lâm nghiệp.
Theo đó, khi cát được hút lên bãi tập kết quy định, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký khối lượng và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các loại phí liên quan.
Doanh nghiệp cũng phải đăng ký, đăng kiểm các phương tiện hút cát, thiết bị định vị để giám sát hành trình trong quá trình nạo vét, tận thu cát.
Trả lời vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần quốc tế Sông Hồng cho biết "vẫn còn nhiều thiếu sót". Đến nay, các thủ tục liên quan đến cấp quyền khai thác khoáng sản, thuê đất làm bãi, xây dựng công trình... doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.
"Doanh nghiệp cũng từ xa đến thực hiện dự án nên có nhiều sai sót. Cát cũng chỉ mới bán được một ít. Hiện chúng tôi tập trung khắc phục sai sót ở bãi tập kết trái phép cũng như hoàn thiện các thủ tục liên quan", người đại diện nói.
TTO - Người dân gần hồ thủy điện Krông H’Năng (Đắk Lắk) cho biết có một doanh nghiệp 'không biết từ đâu đến' hút cát từ lòng hồ thủy điện, tự mở bãi tập kết cát 'khủng' trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.