Ngày 6-10-2022, tròn 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh (6-10-1942). Nhớ về mẹ, trong ngày đặc biệt này, anh Lưu Tuấn Anh (con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh với nghệ sĩ violon Lưu Tuấn) chia sẻ: Với anh, mẹ không bao giờ già, bà vẫn tươi trẻ như lúc bà ra đi.
Mẹ để lại tình yêu thương cho mọi người
Ký ức về mẹ trong anh Lưu Tuấn Anh, đó là một người hài hước và vui vẻ. Không chỉ ở nhà, ở cơ quan mẹ vẫn luôn muốn lan tỏa tinh thần đó với mọi người. Những chuyện cười một phần mẹ thu nạp bằng sự quan sát tinh tế trong cuộc sống. Có chuyện là thật, có chuyện được nhà thơ biến tấu để gây cười. Anh Tuấn Anh nhớ đến những kỷ niệm khi anh và em nghịch ngợm, bị hàng xóm la rầy đến tai mẹ Xuân Quỳnh. “Lúc đó, trước mặt mọi người, mẹ sẽ mắng mấy câu để hàng xóm biết thái độ của mình với việc làm sai của con cái. Tuy nhiên, khi về nhà, mẹ thường bảo chúng tôi: “Các con làm thế, người ta sẽ nghĩ mẹ không biết dạy con”” - anh Tuấn Anh kể.
Anh Lưu Tuấn Anh, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh: NVCC |
Dù bà không đay nghiến con cái cũng như đánh đòn bao giờ nhưng mỗi khi thấy mình làm sai lại khiến mẹ buồn, tự khắc hai anh em Lưu Tuấn Anh đã tự nhủ với nhau không phạm sai lầm để phải xót xa, ân hận. Mẹ - trong anh Lưu Tuấn Anh cũng là người đa tài. “Quần áo chúng tôi rách mẹ vá, thời đó đói lắm, thỉnh thoảng mẹ lại nấu bún chả cho chúng tôi ăn. Anh em chúng tôi ra ngoài hiệu cắt tóc mà không đẹp, về mẹ lại mài kéo cắt lại” - anh Tuấn Anh nói. Nhớ và thuộc rất nhiều bài thơ của mẹ nhưng anh Tuấn Anh nhớ nhất bài Con yêu mẹ bằng con dế. “Đó là câu chuyện của chính tôi. Ngày bé tôi chỉ có một trò chơi, đó là bắt dế. Một lần mẹ hỏi tôi: “Con yêu mẹ bằng dường nào?”. Tôi không biết diễn tả như thế nào nên đã buột miệng là “Con yêu mẹ bằng con dế”” - anh Tuấn Anh kể lại. Nói về những giá trị mà tác phẩm của mẹ để lại, anh Tuấn Anh cho biết xuyên suốt trong tác phẩm của mẹ là một tình yêu bao la, đó không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống, yêu con người, thiên nhiên, cỏ cây. Có thể chỉ là một cánh chuồn trong dông bão và đương nhiên nhà thơ đặc biệt yêu các con.
Trời xanh của mỗi người là 20 tiếng cười khúc khích, tràn ngập hạnh phúc của mẹ con bà. Vũ trụ thơ của mẹ và con chứa đầy sự tò mò, niềm vui, tình yêu của Xuân Quỳnh dành cho con và tình yêu của con dành cho mẹ Quỳnh. Có rất nhiều bài thơ được độc giả nhiều thế hệ thuộc nằm lòng như Chuyện cổ tích về loài người, Bầu trời trong quả trứng, Tiếng gà trưa...
Nhà thơ - TS giáo dục học NGUYỄN THỤY ANH
“Mẹ muốn các con yêu thương nhau, muốn xã hội này con người yêu thương nhau và lan tỏa sự yêu thương đó trong gia đình. Mẹ đã để lại tình yêu thương cho hai anh em và tôi luôn cảm nhận điều đó rất rõ” - anh Tuấn Anh tâm sự.
Nhà thơ Xuân Quỳnh và thủ bút của bà. (Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp) |
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà thơ Xuân Quỳnh, cùng với sự kiện Đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh, gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng với Nhã Nam cũng cho ra mắt cuốn sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn. Minh họa: TẤT SỸ |
Cuốn sách cũng lần đầu tiên công bố một số bức thư Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau trong những năm cuối đời, thư Xuân Quỳnh gửi cho con trai út Lưu Quỳnh Thơ (Mí) khi đi công tác tại Liên Xô. Một vài kỷ niệm về những năm đầu yêu nhau nhiều trắc trở của hai vợ chồng tài hoa cũng được PGS-TS Lưu Khánh Thơ chia sẻ. Nhan đề Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn của cuốn sách là một câu thơ trong bài Có một thời như thế của Xuân Quỳnh, gợi nhớ đến những điều có giá trị và vĩnh viễn như những tác phẩm xuất sắc Xuân Quỳnh đã để lại cho nền văn học nước nhà. “... Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn/ Trang nhật ký xé trăm lần lại viết/ Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau/ Có một thời ngay cả nỗi đau/ Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi/ Mơ ước viển vông, niềm vui thơ dại/ Tuổi xuân mình tưởng vẫn mãi tươi xanh...”. Cũng nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt tuyển tập thơ đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh Trời xanh của mỗi người.
Nữ sĩ có thơ phổ nhạc hay nhất
Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6-10-1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, Hà Tây (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh theo học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Trước đó Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, sau đó ly hôn. Tháng 2-1956, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà từng nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna (Áo).
Xuân Quỳnh mất ngày 29-8-1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ (13 tuổi). Bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Năm 2017, bà được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ là Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng. Xuân Quỳnh là một trong những nữ thi sĩ có thơ phổ nhạc nhiều nhất như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Mẹ của anh…