Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: LINH NGA
Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số cho công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm nay đã tạo ra bước chuyển biến lớn trong ngành giáo dục. Nhìn tổng thể, hệ thống đã vận hành ổn định, ngoài một vài vấn đề kỹ thuật (lỗi kết nối thanh toán trực tuyến, hiển thị thông tin trúng tuyển lặp nhiều dòng) đã được khắc phục kịp thời và không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả đăng ký và xét tuyển. Vì vậy, ý kiến cho rằng việc triển khai đăng ký trực tuyến hoàn toàn có nhiều trục trặc hay sự cố là chưa khách quan.
Thứ trưởng HOÀNG MINH SƠN
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn
Trả lời câu hỏi: "Ông thấy thế nào khi có kiến nghị bộ trả lại quyền tuyển sinh cho các trường theo quy định của Luật giáo dục đại học?", Thứ trưởng HOÀNG MINH SƠN nói: "Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa hề nhận được kiến nghị của trường nào về việc này. Bộ xây dựng và vận hành hệ thống phần mềm để hỗ trợ chung cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh. Về việc thu lệ phí, Bộ GD-ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia chứ bộ không đứng ra thu lệ phí.
Về quyền tự chủ tuyển sinh, Luật giáo dục đại học và nghị định 99/2019/NĐ-CP đã quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh phù hợp quy định của pháp luật; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Quy chế tuyển sinh mới có thể sẽ khiến các trường bớt tự do hơn, bớt chủ động hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ của các trường hoàn toàn được tôn trọng.
Khi xây dựng quy chế tuyển sinh và nâng cấp hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý của các trường, trong đó thống nhất đề cao nguyên tắc công bằng và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của thí sinh. Điều này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các trường bởi nếu thí sinh có quyền lựa chọn nhiều hơn và cơ hội trúng tuyển cao hơn, công bằng hơn thì các trường cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn về số lượng và chất lượng.
Dưới góc độ quản lý, mặc dù các trường có quyền tự chủ trong việc đưa ra và chủ động thực hiện các phương thức tuyển sinh, nhưng Bộ GD-ĐT phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng đăng ký xét tuyển, kết quả trúng tuyển và nhập học (Luật giáo dục đại học giao Bộ GD-ĐT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học). Trên cơ sở dữ liệu đó, bộ sẽ có những phân tích, nhận định để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước và hỗ trợ các trường trong việc xác định phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và đảm bảo chất lượng".
Tốt cho thí sinh thì phải quyết tâm làm
* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển là sai lầm nghiêm trọng? Những rắc rối từ việc bộ thay đổi về kỹ thuật xét tuyển năm nay đã được cảnh báo và có rất nhiều ý kiến đóng góp, vì sao bộ vẫn kiên quyết làm, thưa ông?
- Số liệu thống kê về kết quả trúng tuyển và nhập học năm nay đã chứng tỏ điều ngược lại với nhận định trên. Số lượng và tỉ lệ thí sinh trúng tuyển (tính theo số đăng ký xét tuyển) cao nhất từ trước tới nay thể hiện cơ hội trúng tuyển tốt nhất cho thí sinh, cũng như số lượng và tỉ lệ nhập học cao nhất từ trước đến nay đã cho thấy hầu hết thí sinh đã chọn được nguyện vọng phù hợp nhất với mình. Đổi mới luôn là một việc khó, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Với những thành công bước đầu của năm nay, chúng ta có nền tảng tốt để hướng tới một hệ thống tuyển sinh công bằng cho mọi thí sinh, cạnh tranh bình đẳng giữa các trường và minh bạch cho toàn xã hội. Bộ luôn lắng nghe những ý kiến góp ý và phản biện để hỗ trợ các trường làm tốt hơn, nhưng những gì tốt nhất cho thí sinh và cho toàn hệ thống thì phải kiên định, quyết tâm làm.
* Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh nhiều rắc rối, thí sinh gặp không ít khó khăn trong đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí, đậu thành rớt... Theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Thí sinh được quyền lựa chọn, mà càng nhiều lựa chọn thì xác suất sai sót cũng sẽ càng lớn, nhất là khi các trường đã đưa ra khá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Hệ thống đã mở thời gian rất dài và yêu cầu thí sinh thực hiện các bước rất chặt chẽ, nhưng vẫn còn những lỗi do thí sinh sơ suất. Một số lỗi khác nằm ở việc xét tuyển của một số trường (không đúng thứ tự nguyện vọng, không xét tuyển các nguyện vọng khác mà chỉ chấp nhận nguyện vọng 1...). Hệ thống đăng ký nguyện vọng cũng chưa được mở rộng phạm vi kiểm tra, ngăn chặn lỗi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đã được các trường phối hợp giải quyết. Một số vấn đề khác như khó khăn trong nộp lệ phí chỉ xảy ra trong khoảng thời gian nhất định và có giải pháp khắc phục ngay, không ảnh hưởng tới kết quả xét tuyển của các thí sinh.
Làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cải tiến, nâng cấp phần mềm
* Nhiều người cho rằng những sự cố xảy ra trong xét tuyển vừa qua xuất phát từ việc Bộ GD-ĐT chậm ban hành quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Quy chế tuyển sinh năm nay ban hành chậm so với một số năm trước, tuy nhiên trước đó những nội dung mới của quy chế đã được thống nhất tại hội nghị công tác tuyển sinh và đưa vào dự thảo để công bố rộng rãi từ tháng 3-2022. Thực tế là quy chế năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường có thể xét tuyển theo các phương thức riêng theo kế hoạch chung, dựa trên dữ liệu đăng ký và điểm học bạ của thí sinh tải từ hệ thống, vì vậy từ năm sau sẽ có nhiều trường không tổ chức xét tuyển sớm.
* Theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT đã cho vận hành một hệ thống công nghệ chưa được kiểm tra trong thực tế, đến lúc sắp xét tuyển vẫn còn chạy thử, chờ góp ý hoàn thiện nên phần mềm xét tuyển nhiều lỗi... Còn thí sinh phàn nàn do phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp khi đăng ký xét tuyển trực tuyến. Phần mềm hỗ trợ tuyển sinh năm 2022 được làm thế nào, thưa ông?
- Đầu năm 2022, Bộ GD-ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai hệ thống trực tuyến phục vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu của đề án 06. Hệ thống phần mềm này không phải hoàn toàn mới mà được nâng cấp từ hệ thống đăng ký xét tuyển và lọc ảo trực tuyến đã vận hành ổn định từ nhiều năm, năm nay chủ yếu mở rộng thêm chức năng đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến (đây là phần lớn nhất), thanh toán lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học trực tuyến.
Việc nâng cấp phần mềm do một tập đoàn lớn triển khai (năm nay miễn phí) theo các quy trình bài bản, chặt chẽ, đương nhiên phải bao gồm cả quy trình kiểm thử và chạy thử ở nhiều mức độ, phạm vi khác nhau. Chức năng thanh toán trực tuyến ban đầu có vấn đề với công suất giao dịch của các kênh thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nhưng đây không phải lỗi trên hệ thống của bộ và đã được giải quyết kịp thời. Lỗi duy nhất của hệ thống cho đến nay được phát hiện là hiển thị thông tin trúng tuyển lặp nhiều dòng trong buổi đầu thí sinh xác nhận nhập học, nhưng đã được sửa ngay và hoàn toàn không ảnh hưởng tới kết quả trúng tuyển của thí sinh.
Cần phải nói thêm, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ hoàn toàn không có chức năng xét tuyển, mà chỉ xử lý nguyện vọng để bảo đảm thí sinh trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. Việc xét tuyển và quyết định thí sinh nào đủ điều kiện trúng tuyển được các trường thực hiện, sau đó mới đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng (lọc ảo), vì vậy những ai cho rằng phần mềm xét tuyển có nhiều lỗi là do chưa hiểu rõ.
Đối với việc thí sinh phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cũng đã rà soát và thấy rằng đúng là giao diện phần mềm cũng cần cải tiến để thân thiện hơn và có khả năng ngăn chặn lỗi tốt hơn cho thí sinh. Mặc dù vậy, một số quy trình cần phải gồm nhiều bước chặt chẽ, nhất là với việc đăng ký chọn trường, chọn ngành và xác nhận nhập học, vì đây là những quyết định rất hệ trọng của thí sinh, nhất định phải để thí sinh cân nhắc kỹ càng và xác nhận chắc chắn.
* Năm nay, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần điều chỉnh quy định để "hỗ trợ thí sinh" (mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng, thêm thời gian nộp lệ phí...). Nhưng có người lại cho rằng chính những việc này là trái quy chế và tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh. Ông nghĩ sao về nhận định trên?
- Nguyên tắc công bằng được nêu rõ trong quy chế tuyển sinh, trong đó không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém. Bộ có điều chỉnh một số mốc thời gian nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh hoàn thành các thủ tục, nhưng không điều chỉnh quy định, không vi phạm điều khoản nào trong quy chế tuyển sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Sai sót khó tránh khỏi
Số thí sinh trúng tuyển chính thức đợt 1 năm 2022 là 567.018 thí sinh - Ảnh: LINH NGA
Đối với toàn hệ thống bao gồm hơn 300 cơ sở đào tạo đại học, 18.000 mã xét tuyển (ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), 620.000 thí sinh đăng ký với 3,1 triệu nguyện vọng, việc xảy ra sai sót là khó tránh khỏi, dù thực hiện trực tuyến trên một hệ thống hay trên nhiều hệ thống riêng của các trường. Mặc dù quy trình đăng ký rất chặt chẽ (buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ và xác nhận), thời gian đăng ký kéo dài hơn một tháng, vẫn có tỉ lệ nhất định thí sinh mắc sai sót, nhầm lẫn.
Ví dụ, nếu trung bình một trường chỉ có 10 trường hợp sai sót thì tổng cộng toàn hệ thống đã có tới 3.000 trường hợp phải xử lý, giải quyết (tương ứng với xác suất sai sót là 1/1.000 nếu xét theo số nguyện vọng đăng ký). Những năm trước, hầu hết sai sót này được các trường giải quyết theo kênh riêng, chỉ những lỗi liên quan tới phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT mới cần sự hỗ trợ của bộ. Ngược lại, năm nay hầu hết sai sót, nhầm lẫn đều được phản ánh, thu nhận tập trung về hệ thống và bộ cũng có đầy đủ thông tin, dữ liệu để cùng các trường hỗ trợ giải quyết.
TTO - Những vi phạm này đã được Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ ra trong văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hoạt động tự chủ ngày 28-2.
Xem thêm: mth.67285110250012202-hnis-neyut-od-ut-al-iahp-gnohk-hnis-neyut-uhc-ut/nv.ertiout