Nguyễn Thị Trâm sẽ là tân sinh viên ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng - Ảnh: BÌNH MINH
Bằng một cơ duyên tình cờ, Trâm đã vào TP.HCM nương nhờ trong ngôi nhà chung của các sơ dòng Mến thánh giá Vinh tại TP.HCM, cưu mang những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật tại quận Bình Thạnh. Bạn vừa báo tin mình sắp thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Quay lại trường
Mẹ Trâm là vợ sau, lấy ba sau khi người vợ đầu của ba mất. Trâm có ba anh em. Ngoài Trâm còn có anh trai đang làm công nhân ở Đà Nẵng và cậu em nhỏ hiện học lớp 8. Cả sáu anh chị cùng cha khác mẹ với Trâm đều phải nghỉ học sau khi hoàn thành cấp II vì gánh nặng mưu sinh, phụ giúp gia đình.
Nhưng Trâm không muốn như các anh chị. Bạn muốn theo đuổi con đường học tập. Tâm sự cùng ba, ba nói biết rằng con muốn học lên cao nhưng hoàn cảnh gia đình thế này, cũng không có ai học lên cấp III cả, ba lo không nổi. Trớ trêu thay thời điểm đó, mẹ Trâm đổ bệnh và cả nhà dồn sức chạy chữa cho mẹ.
Tủi thân lắm, suy nghĩ cũng nhiều, cuối cùng cô đành phải nghỉ học sau kỳ thi tốt nghiệp THCS. "Mình đi làm, từ một vài nhà hàng quanh Đà Nẵng, rồi các quán ở Hà Tĩnh. Một năm đó mình làm rất nhiều nơi, nhận ra rằng cuộc sống nếu không học hành thì quá vất vả", Trâm kể. Và bạn nuôi khát khao được quay trở lại trường học.
Trong lần về Hà Tĩnh dự đám cưới anh trai, Trâm tình cờ gặp vị linh mục và có kể cho ông nghe về hoàn cảnh gia đình. Không lâu sau đó, vị linh mục gọi lại hỏi Trâm còn muốn đi học không. Dĩ nhiên cô trả lời có. Qua giới thiệu của ông, Trâm đặt chân vào TP.HCM, sống trong ngôi nhà của các sơ và trở thành học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Phú Nhuận.
Mình không dám nghĩ điều gì lớn lao, quan trọng là ngành nghề mình chọn có ý nghĩa thế nào với chính mình, có thể giúp gì cho xã hội, cộng đồng. Và mình chọn giáo dục.
NGUYỄN THỊ TRÂM
Vượt khó để được học
Vào học lại, Trâm đã trễ hai tuần so với các bạn nên càng phải nỗ lực để theo kịp bạn bè. Trâm nói mình may mắn khi gặp được cô Phạm Thị Hồi, giáo viên dạy môn địa lý, cũng là người đồng hành, sát cánh cùng bạn qua rất nhiều khó khăn.
Một tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, bác sĩ chẩn đoán Trâm mắc trầm cảm do áp lực thi cử. Biết tình hình của con gái, ba mẹ lặn lội từ quê vào Sài Gòn, thuyết phục con về quê nghỉ ngơi, đừng cố rướn. Nhưng đó lại là lúc khối 12 thi cuối học kỳ 2, Trâm không dám về, sợ lại lỡ con đường học lần nữa.
"May mắn các thầy cô đều hiểu rõ, khuyên cứ về và cho thi lại sau đó", Trâm kể.
Ban đầu, Trâm muốn vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Vì nhìn vào điểm trúng tuyển các năm trước, điểm xét học bạ của bạn tương đương. Tuy nhiên, sau khi nghe tư vấn, tham khảo thông tin, dự đoán sẽ tăng một vài điểm, cộng với nỗi lo nếu không đậu đại học sẽ phải làm gì đây nên cô gái tính toán lại.
Sẵn có niềm đam mê với địa lý từ năm học lớp 10 sau lần gặp và nói chuyện với cô Hồi, Trâm quyết định chọn ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, dù nhiều người nói học ngành này khó có nhiều cơ hội việc làm.
"Nhưng mình vẫn quyết định bước theo đam mê và nhất định sẽ đi đến cùng. Mình muốn tìm hiểu và khám phá sâu hơn về những vùng miền của Việt Nam và thế giới", Trâm nói.
Lý do Trâm chọn ngành học này có phần ảnh hưởng đáng kể từ cô Phạm Thị Hồi. Cô chưa bao giờ nghiêm khắc mà ngược lại luôn chọn cách gần gũi, rất tâm lý, thấu hiểu học sinh và trên hết là dạy học bằng tất cả tâm huyết. Chính ngọn lửa nghề ấy đã truyền cho Trâm cảm hứng, bạn mong sau này cũng sẽ giống như cô, được đứng trên bục giảng, nuôi dưỡng đam mê cho thế hệ tương lai.
Lớn lên trong gian khó, thấy cảnh các anh chị đều gián đoạn việc học, vất vả mưu sinh, Nguyễn Thị Trâm không chỉ thấm thía chuyện học hành của bản thân mà tự hứa sẽ bằng mọi cách để cậu em trai không bỏ học. Hai anh em Trâm đã bàn cùng nhau, ráng gom góp, ít nhất cũng cho cậu út học hết lớp 12.
Trâm nói chưa bao giờ trách gì ba mẹ nhưng khó khăn quá thì biết làm sao được! "Mình thật lòng mang ơn những người đã được gặp, đã giúp mình trở lại trường đi học lại sau thời gian gián đoạn. Mình muốn cảm ơn các thầy cô tại trung tâm rất nhiều. Những ân tình, sự quan tâm, động viên nhận được mà mình đã bình tâm hơn, nhanh bình phục để đi đến đoạn đường hôm nay", Trâm bày tỏ.
TTO - Dù có cơ hội chuyển đến những ngôi trường tốt hơn, danh tiếng hơn với mức thu nhập tốt hơn nhưng những người thầy, người cô vẫn quyết bám trụ lại trường bởi một điều rất đơn giản: Ở đó còn nhiều học trò nghèo quá, bỏ đi sao đành?
Xem thêm: mth.19295829060012202-hcas-ned-oahk-tahk-ioun-hnis-uum-nahn-cohn/nv.ertiout