Nhà báo Darya Dugina, con gái một đồng minh của ông Putin, nhà dân tộc chủ nghĩa Aleksandr Dugin - Ảnh: SKY NEWS
Bà Darya Dugina là con gái triết gia Aleksandr Dugin, có quan hệ thân cận với Tổng thống Vladimir Putin. Bà thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe hơi hồi tháng 8 vừa rồi.
Tuy nhiên, nguồn tin không tiết lộ cá nhân nào đã cho phép tiến hành vụ ám sát, ai thực hiện hoặc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có phê duyệt nhiệm vụ này hay không.
Nguồn tin khẳng định Mỹ không hề liên quan đến vụ ám sát, không hỗ trợ hay cung cấp thông tin tình báo và không được báo trước về vụ việc. Hơn nữa nếu biết trước, Mỹ sẽ phản đối việc làm này.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, phía Mỹ đã khiển trách và cảnh báo quan chức Ukraine. Mỹ thất vọng khi Kiev đã không minh bạch thông tin với Washington về các kế hoạch quân sự của họ, đặc biệt là trên lãnh thổ Nga.
Tuần trước, báo cáo đánh giá sâu về sự liên quan của Ukraine trong vụ ám sát được chia sẻ trong nội bộ Chính phủ Mỹ. Trong đó, giới tình báo lo ngại một chiến dịch bí mật như vậy có thể mở rộng xung đột.
Mỹ nhận định những vụ ám sát như vậy dù có giá trị biểu tượng cao nhưng ít tác động trực tiếp đến kết quả trên thực địa, và có thể khiến Nga đáp trả bằng các cuộc tấn công nhằm vào quan chức cấp cao Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine liên tục phủ nhận có liên quan đến vụ ám sát. Khi được hỏi về báo cáo của tình báo Mỹ, ông Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, khẳng định Ukraine "không liên quan gì đến việc này".
Ông Podoliak cho rằng "bất kỳ vụ ám sát nào trong thời chiến ở các quốc gia đều có một số ý nghĩa thực tế", nhưng "một người như bà Dugina không phải là mục tiêu chiến lược với Ukraine".
Nga đã cho điều tra hình sự về vụ việc và gọi vụ gài bom xe dẫn đến cái chết của nạn nhân là hành động khủng bố. Nhà báo Darya Dugina thiệt mạng ngay lập tức khi vụ nổ xảy ra ở quận Odintsovo, một khu vực giàu có ở ngoại ô Matxcơva.
Cơ quan tình báo Nga (FSB) cho rằng chính cơ quan tình báo Ukraine đứng đằng sau vụ ám sát bà Dugina.
Trong thông cáo đưa ra một ngày sau vụ ám sát, FSB cho rằng các đặc vụ Ukraine đã thuê một phụ nữ Ukraine, nhập cảnh vào Nga hồi tháng 7, để tiếp cận nơi bà Dugina sinh sống. Người này đã bỏ trốn khỏi Nga sau vụ đánh bom.
73% người Mỹ ủng hộ chính phủ tiếp tục hỗ trợ Ukraine
Theo thăm dò mới nhất của Reuters/Ipos, 73% người Mỹ đồng ý rằng Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng họ có thể tận dụng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Người Mỹ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ sự đồng tình. Song, phía Dân chủ thể hiện sự ủng hộ cao hơn (81%) so với phía Cộng hòa (66%).
Trong cuộc thăm dò được tiến hành trong hai ngày 4 và 5-10, 66% số người được hỏi khuyến khích Washington nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, tăng từ 51% trong một cuộc thăm dò tương tự vào tháng 8 vừa qua.
Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Biden đã cung cấp hơn 16,8 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" hôm 24-2.
Ngày 4-10, ông Biden đã hứa cung cấp cho Kiev gói hỗ trợ mới trị giá 625 triệu USD.
Ngoài ra, cuộc thăm dò cũng ghi nhận 58% người Mỹ sợ rằng đất nước của họ đang tiến tới chiến tranh hạt nhân với Nga, và 65% lo ngại rằng chiến tranh có thể leo thang, nếu Ukraine được cung cấp vũ khí tầm xa hơn.
Theo kết quả thăm dò, chỉ có một số ít người Mỹ cho rằng các vấn đề của Ukraine không phải là việc của Mỹ và Mỹ không nên can thiệp. 35% bày tỏ ủng hộ quan điểm này, giảm so với 40% vào tháng 8-2022.
TTO - Theo báo The Guardian, trong thông tin cập nhật mới nhất về chiến sự Ukraine công bố ngày 10-9, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá cuộc phản công gần đây của Ukraine có thể đã khiến lực lượng Nga bất ngờ.