Nhiều ý kiến cho rằng công nhân ở cụm công nghiệp cũng cần được hỗ trợ như người lao động ở khu công nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là kiến nghị được nêu tại hội thảo Thực trạng và giải pháp về nhà trẻ, mẫu giáo và các chính sách hỗ trợ cho con người lao động trong độ tuổi nhà trẻ tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và vai trò của công đoàn trong triển khai thực hiện nghị định 105 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, ngày 6-10 tại Hà Nội.
Gửi con ở đâu?
Bà Phạm Thu Thưởng, phó trưởng ban tuyên giáo - nữ công Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, cho biết khoảng 70% trong 308.000 đoàn viên công đoàn ở thành phố là nữ công nhân. Chủ yếu lao động nữ là người ngoại tỉnh trong độ tuổi sinh đẻ nên có chung nỗi lo "gửi con ở đâu để yên tâm đi làm".
Theo bà Thưởng, công nhân thường không lựa chọn gửi con ở trường mầm non công lập vì đặc thù tăng ca, làm thêm giờ nên không thể đón con theo giờ hành chính, còn trường tư thục thì học phí cao. "Vì vậy, đa số công nhân gửi con ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục hoặc gửi con về quê cho ông bà trông", vị này cho hay.
Căn cứ nghị định 105, TP Hải Phòng đã có chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất (một lần duy nhất); 200.000 đồng/trẻ/tháng; 1 triệu đồng/giáo viên/tháng…
Tuy nhiên, chính sách còn bất cập khi các đối tượng trên phải ở trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN và có ít nhất 30% con của người lao động làm việc trong KCN; phụ huynh ngại làm thủ tục nhận hỗ trợ.
Còn bà Lê Thị Kim Thúy, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho hay có 862 doanh nghiệp trên địa bàn có tổ chức công đoàn với gần 270.000 người lao động, trong đó nữ giới chiếm 62,66%. Gần 2/3 là lao động ngoại tỉnh, khoảng 35% nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.
Bà Thúy cho biết thêm nghị định 105 đã có được hơn một năm nhưng còn hơn 2.000 trẻ và 97 giáo viên ở TP.HCM chờ được duyệt hồ sơ, thủ tục. Do đó, Công đoàn TP.HCM sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn trên và nghiên cứu thêm mô hình giữ trẻ ngoài giờ vì có câu chuyện cô giáo đi làm từ 6h sáng và về nhà lúc 19h tối.
Kỳ vọng mở rộng đối tượng
Bà Thái Thu Xương, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Thái Thu Xương - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay đơn vị chuyên môn sẽ tổng hợp các ý kiến phản hồi về nghị định 105 và báo cáo Thường trực Đoàn chủ tịch Công đoàn Việt Nam.
Về kiến nghị của nhiều đại biểu xoay quanh chuyện con em công nhân làm việc tại cụm công nghiệp cũng được hỗ trợ tiền học thay vì phải trong KCN như hiện nay, bà Thái Thu Xương cho biết: "Nếu nguồn lực của mình có thì mở rộng đối tượng hết sức phù hợp bởi con em công nhân lao động ở trong KCN hay ngoài KCN đều là con của người lao động trực tiếp sản xuất, đóng góp cho đất nước".
Cũng theo bà Xương, các giáo viên đang làm việc tại trường tư thục còn nhiều vất vả. Cá biệt, có cô phải làm việc hơn 10 tiếng, chịu nhiều áp lực trong khi đồng lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra nên công đoàn sẽ nghiên cứu, kiến nghị hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc ngoài KCN.
Theo nghị định 105, trẻ tại cơ sở mầm non dân lập, tư thục có ít nhất 30% con người lao động làm việc tại KCN được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng, không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ ít nhất với giáo viên là 800.000 đồng/tháng.
TTO - HĐND tỉnh Quảng Bình đã quyết định không thu học phí học kỳ 1 năm học 2022-2023 đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn.