Khoảnh khắc tàu vũ trụ chở các phi hành gia Mỹ, Nga và Nhật Bản chuẩn bị "cập bến" ISS - Ảnh chụp từ clip
* Bất chấp căng thẳng trên mặt đất, phi hành gia Nga, Mỹ cùng bay đến ISS. Bốn phi hành gia gồm hai người Mỹ, một người Nga và một người Nhật đã đến Trạm không gian quốc tế (ISS) an toàn rạng sáng nay 7-10 (giờ Việt Nam) sau hành trình gần 30 tiếng.
Sứ mệnh không gian lần này do tàu vũ trụ Crew Dragon và tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX của Mỹ thực hiện, theo Hãng tin Reuters. Việc phi hành gia Anna Kikina, 38 tuổi, của Nga được đưa lên ISS bằng tàu vũ trụ của tỉ phú Elon Musk cho thấy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực không gian vẫn duy trì, bất chấp các căng thẳng địa chính trị trên mặt đất.
Các phi hành gia dự kiến sẽ thực hiện khoảng 200 thí nghiệm trong suốt thời gian 150 ngày trên ISS, trong đó có nhiều thí nghiệm tập trung vào nghiên cứu y học như in 3D mô người đến nghiên cứu vi khuẩn được nuôi cấy trong môi trường vi trọng lực.
* Tướng lĩnh Nga hứng chỉ trích từ quan chức vùng mới sáp nhập. Trong video dài hơn 4 phút lan truyền trên mạng xã hội Nga ngày 6-10, ông Kirill Stremousov - người được Nga bổ nhiệm làm phó tỉnh trưởng Kherson vừa sáp nhập từ Ukraine - đã chỉ trích công khai Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và các tướng lĩnh.
"Nếu anh là một bộ trưởng quốc phòng mà để xảy ra tình trạng như vậy, với tư cách là sĩ quan, anh nên tự bắn mình đi", ông Stremousov nêu chỉ trích, cho rằng ông Shoigu và tướng lĩnh không hiểu gì về các vấn đề ở tiền tuyến.
Hiện Điện Kremlin vẫn chưa lên tiếng về đoạn video trên. Việc các chỉ trích công khai và xúc phạm các tướng lĩnh Nga đến từ trong chính hệ thống chính quyền Nga là rất hiếm, theo Reuters.
* Mỹ trừng phạt người tìm mua vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar. Trong thông báo ngày 6-10 (giờ Mỹ), Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nhân Myanmar Aung Moe Myint cũng như công ty do ông thành lập - Công ty TNHH Quốc tế Dynasty - và hai giám đốc của công ty này.
Ông Aung Moe Myint, là con trai của một sĩ quan quân đội, bị Mỹ cáo buộc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua vũ khí của chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc đảo chính tháng 2-2021.
Trong một thông báo riêng sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố cấm nhập cảnh với cựu cảnh sát trưởng Myanmar và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing vì liên quan các hành vi mà Washington cho là vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp với đoàn quan chức Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 6-10 tại Kiev. Trong đó phía IAEA khẳng định nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là của Ukraine - Ảnh: REUTERS
* Tái phát COVID-19 sau khi dùng thuốc Paxlovid có thể do phản ứng miễn dịch quá mạnh. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Chính phủ Mỹ công bố ngày 6-10 cho thấy tình trạng tái dương tính hay tái phát các triệu chứng sau 5 ngày dùng thuốc điều trị Paxlovid của Pfizer có thể không do phản ứng miễn dịch suy yếu.
Các triệu chứng tái phát có thể được thúc đẩy một phần bởi phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với virus còn sót lại trong đường hô hấp, các tác giả nghiên cứu giải thích. Họ kết luận rằng thuốc không cản trở phản ứng miễn dịch như một số người đã lo sợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden và bác sĩ Anthony Fauci đều là những người tái dương tính sau 5 ngày uống Paxlovid.
* Người ủng hộ ông Trump tính vác cả rìu "sát thủ thây ma" tới Điện Capitol. Trong phiên điều trần ngày 6-10 trước Ủy ban điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol, Michael Palian - một đặc vụ FBI - đã hé lộ kế hoạch của những người ủng hộ ông Donald Trump cực đoan.
Bản kế hoạch được cho là do Thomas Caldwell soạn thảo. Đây là một trong những người đang bị xét xử vì bạo loạn Điện Capitol. Theo kế hoạch gởi tới các thành viên ngày 2-12-2020, mỗi người tham gia được khuyến khích chọn một "vũ khí tấn công". Dao, dụng cụ đa năng và rìu "sát thủ thây ma" có tính sát thương lớn được liệt kê là những vũ khí "gợi ý".
* Mỹ tìm cách kìm giá dầu thế giới. Thất vọng với kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô của nhóm OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ xem xét mọi biện pháp khả dĩ để kiềm chế giá dầu thế giới tăng cao.
"Có rất nhiều lựa chọn thay thế nhưng chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định", nhà lãnh đạo Mỹ trả lời khi được hỏi tại Nhà Trắng ngày 6-10 (giờ Mỹ). Ông Biden cũng tuyên bố bản thân không hối tiếc vì đã tới Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn trong OPEC+ và cho biết chuyến đi là vì mục đích chính trị, không phải dầu mỏ.
* Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác đề xuất thảo luận về tình hình Tân Cương. Với 19 quốc gia bỏ phiếu chống, 11 quốc gia phiếu trắng và chỉ có 17 nước tán thành, đề xuất thảo luận về tình hình Tân Cương (Trung Quốc) tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bị bác bỏ ngày 6-10.
Trung Quốc, nước nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống, đã gọi kết quả bỏ phiếu là "một chiến thắng dành cho các nước đang phát triển, chiến thắng cho công lý và sự thật". Phương Tây cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số tại Tân Cương, điều mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
Gánh đay mưu sinh
Một công nhân Bangladesh đang còng lưng "cõng" mớ đay sợi nặng hơn 50kg. Bangladesh hiện là nhà sản xuất đay sợi lớn thứ hai thế giới, loại nguyên liệu thô được dùng làm vải đay và các sản phẩm được nhiều người sống thân thiện với môi trường lựa chọn - Ảnh: Syed Mahabubul Kader/ZUMA Press Wire/REX/Shutterstock
TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến xung đột Nga - Ukraine và mong muốn các bên nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.