Theo một báo cáo tài chính được chia sẻ với các nhân viên, công ty mẹ của TikTok đã chứng kiến khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của mình tăng gấp ba lần vào năm ngoái lên trên 7 tỷ USD. Nguyên nhân được cho là do công ty chi tiêu mạnh tay để tiếp tục đạt mức tăng trưởng như vũ bão.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy ByteDance đã tạo ra lợi nhuận hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2022. Đây là dấu hiệu tích cực chứng minh rằng một trong những công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới đã bắt đầu hái trái ngọt sau nhiều năm gánh chịu những khoản lỗ lớn.
Là một công ty tư nhân, ByteDance trước nay rất thận trọng với các thông tin về tình hình tài chính của mình và không tiết lộ công khai. Báo cáo kể trên được gửi tới nhân viên vào tháng 8, bao gồm thông tin toàn bộ các năm 2020 và 2021 cũng như các quý đầu tiên của năm 2022. Chính bởi vậy, nó cung cấp một trong những cái nhìn chi tiết nhất về cách ByteDance đang hoạt động và đang lập kế hoạch cho tương lai.
Doanh thu của ByteDance tiếp tục tăng gần 80% lên 61,7 tỷ USD vào năm 2021, nhưng các chi phí của công ty cũng tăng tương ứng khi họ tập trung vào tăng trưởng. Chi phí bán hàng của họ đạt 27,4 tỷ USD cho năm 2021, tăng 79% so với năm trước đó. Để đáp ứng cho tốc độ tăng trưởng doanh thu, ByteDance đã phải chi rất nhiều khoản lớn: 14,6 tỷ USD chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, 19,2 tỷ USD chi phí bán hàng và tiếp thị…
Báo cáo cho biết tổng số lỗ của công ty vào năm 2021 là 7,15 tỷ USD, tăng từ 2,14 tỷ USD vào năm 2020.
Người phát ngôn của ByteDance từ chối bình luận về những con số này.
Mặc dù TikTok cho đến nay là sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty ở Mỹ, nhưng ByteDance cũng sở hữu các ứng dụng được hàng trăm triệu người ở Trung Quốc sử dụng - bao gồm ứng dụng video ngắn Douyin, Jinri Toutiao hoặc Today’s Headlines. Báo cáo kể trên hiện không có thông số chi tiết tình hình hoạt động của từng mảng kinh doanh của ByteDance.
Doanh thu của công ty đạt gần 18,3 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2022, tăng gần 54% so với một năm trước đó. ByteDance cho thấy họ đang bắt đầu kiềm chế chi phí, với khoản lỗ ròng trong kỳ là 4,7 tỷ USD, giảm gần 84% so với mức 29,1 tỷ USD một năm trước đó.
Việc giảm lỗ ròng trong quý đầu tiên của năm 2022 có thể phản ánh việc ByteDance điều chỉnh lại mức định giá của mình do các công ty Internet của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những quy định thắt chặt của chính phủ đối với ngành công nghệ.
ByteDance, được thành lập vào năm 2012 bởi doanh nhân Trung Quốc Zhang Yiming, đã huy động được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm KKR & Co., Sequoia Capital và General Atlantic. Công ty được định giá 180 tỷ USD vào cuối năm 2020 sau một vòng gọi vốn mà dẫn đầu là Fidelity Investments và một số cổ đông hiện hữu của công ty.
Công ty đã hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu, và thậm chí nguồn tin của WSJ cho biết họ đang đề nghị mua lại cổ phiếu từ các nhà đầu tư với mức định giá 300 tỷ USD.
Bất chấp chi phí gia tăng, ByteDance đã cố gắng tăng tiền và các khoản tương đương tiền, ở mức 42,6 tỷ USD vào cuối tháng 3, tăng từ 34,1 tỷ USD vào cuối năm 2021. Tổng tài sản của họ ở mức 74 tỷ USD vào tháng 3, tăng từ 64,3 tỷ USD vào tháng 12.
Các chuyên gia đều nhận định rằng, “ví tiền dày” của ByteDance là một lợi thế cạnh tranh chính thúc đẩy sự trỗi dậy của TikTok ở Mỹ.
Sự nổi lên của TikTok “là điều không thể tưởng tượng được”, Giám đốc điều hành Snap là Evan Spiegel cho biết vào tháng trước. “Không có công ty khởi nghiệp nào có thể đủ khả năng đầu tư hàng tỷ tỷ tỷ USD vào việc mua người dùng trên khắp thế giới như vậy”.
Được biết, ByteDance đã phát hành báo cáo tài chính kể trên như một phần của đợt phát hành đặc biệt các cổ phiếu hạn chế cho hơn 30.000 nhân viên của công ty. “Mặc dù thị trường có thể biến động, chúng ta vẫn tự tin vào sức mạnh của doanh nghiệp và tổ chức của mình”, công ty viết trong một email gửi tới nhân viên.
ByteDance có hơn 130.000 nhân viên trên toàn cầu vào cuối năm 2021.
Trong số hơn 100 trang công bố tài chính, ByteDance đã liệt kê 46 yếu tố rủi ro mà nhân viên nên xem xét khi chấp nhận các cổ phiếu hạn chế bổ sung. Trong số các yếu tố rủi ro đó có một mục cảnh báo nhân viên rằng “cổ phiếu không được giao dịch công khai trên sàn giao dịch chứng khoán và bạn nên chuẩn bị để nắm giữ cổ phiếu của chúng tôi vô thời hạn”.
Một người khác trích dẫn những rủi ro liên quan đến kinh doanh ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết nếu công ty không tuân thủ các quy định của chính phủ hoặc nếu những quy định đó thay đổi trong tương lai, "chúng ta có thể phải chịu các hình phạt nghiêm khắc hoặc buộc phải từ bỏ lợi ích của mình trong các hoạt động đó”.
Năm ngoái, chi phí của ByteDance đã tăng lên khi mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới. Họ đã thực hiện các vụ mua lại đáng kể trong mảng truyền hình video, bao gồm vào tháng 3/2021 khi ByteDance chi 4 tỷ USD để mua lại Shanghai Moonton Technology - studio trò chơi điện tử đứng sau tựa game đình đám “Mobile Legends: Bang Bang”.
Một số nguồn tin thân cận cho biết, ByteDance cũng đẩy nhanh việc thuê và nghiên cứu các chip tiên tiến hỗ trợ trí tuệ nhân tạo và máy chủ.
Giám đốc điều hành ByteDance, Liang Rubo, cho biết tại một cuộc họp chung vào tháng 8 rằng ông đang cân nhắc về sự phình to của công ty và cam kết sẽ cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. “Nhiều mảng kinh doanh của ByteDance đã không đạt được kỳ vọng trong năm qua”, ông Liang nói với các nhân viên.
Nguồn: WSJ