Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 30/9/2022, trên thị trường đã có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ Trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 9/2022.
Cụ thể, Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường với tổng giá trị phát hành lên tới 9.623 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam phát hành nhiều nhất (3.090 tỷ đồng), theo sau là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (2.000 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (1.800 tỷ đồng), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (750 tỷ đồng).
Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với duy nhất đợt phát hành vào ngày 9/5 của CTCP No Va Thảo Điền -thành viên Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) với số lượng phát hành là 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Nhóm Hàng tiêu dùng đứng thứ ba với hai đợt phát hành bao gồm: CTCP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và CTCP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng ghi nhận ở mức 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ ở mức 233.692 tỷ đồng, giảm 40%, chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng (tăng 199% so với cùng kỳ tháng 9/2021).
Một thông tin đáng chú ý là từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong thời gian tới, theo dữ liệu của VBMA cho biết sẽ có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu gồm: Tập Đoàn Đất Xanh với phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD; CTCP Miền Đông cùng phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng và Tập đoàn Trung Nam dự tính huy động 500 triệu USD trái phiếu (khoảng 12 nghìn tỷ đồng) trong vòng 3 năm kế tiếp.
Trước bối cảnh thị trường trái phiếu xuất hiện các hiện tượng tiêu cực, thiếu lành mạnh trong khoảng đầu năm 2022. Vào ngày 16/9/2022 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tiêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định có nhiều điểm mới, tác động đến 3 nhóm đối tượng: Người mua trái phiếu, doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý hoạt động phát hành trái phiếu.
Một số điểm mới nổi bật được thị trường chú ý ngay lập tức khi Nghị định 65 được ban hành là quy định chặt chẽ về nhà đầu tư chuyên nghiệp; việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành; và một điều quan trọng là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với một bộ phận doanh nghiệp phát hành vào đầu năm 2023.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá Nghị định 65 được Chính phủ ban hành khá kịp thời giữa tình hình tăng truởng "nóng" theo hướng rủi ro của thị trường trái phiếu.
Theo GS.TS, với các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn của Chính phủ, kỳ vọng Nghị định 65 sẽ giúp khơi thông nguồn vốn từ kênh trái phiếu cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tăng truởng ổn định và hạn chế rủi ro cho các chủ thể tham gia vào thị trường.