Từ trái sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu và Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại lâu đài Prague, Cộng hòa Czech, ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU và Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu khai mạc ngày 7-10 tại lâu đài Prague ở Prague, Cộng hòa Czech để bàn về Ukraine, vấn đề năng lượng và kinh tế.
Sau ngày họp đầu tiên, hầu hết 27 nước thành viên EU đồng ý áp đặt giá trần khí đốt nhưng không thống nhất về chi tiết thực hiện. Các phương án được nêu ra bao gồm áp giá trần với tất cả khí đốt, có một "hành lang năng động", áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện hoặc chỉ áp giá trần riêng với khí đốt của Nga.
Theo Hãng tin Reuters, EU đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều tuần nhưng đến nay vẫn chưa thể thống nhất. Mặc dù vậy, 27 thành viên đồng ý về các biện pháp chung khác để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang dẫn đến lạm phát cao và nguy cơ suy thoái trong khối.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết: "Tất cả đều đồng ý là chúng tôi cần giảm giá điện nhưng chưa có sự thống nhất nào về công cụ sẽ sử dụng để đạt được mục đích đó".
Việc áp giá trần khí đốt là một trong những đề xuất và sáng kiến của các nước châu Âu trong bối cảnh nguồn cung khí đốt giảm mạnh từ Nga, quốc gia từng cung cấp đến 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và giá khí đốt tăng cao. Dù không còn ở mức đỉnh của năm nay nhưng giá khí đốt vẫn cao hơn 200% so với đầu tháng 9-2021.
Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu các nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng.
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu và Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu tại lâu đài Prague, Cộng hòa Czech, ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước hội nghị qua liên kết video, chủ tịch hội nghị, ông Charles Michel cho biết: "Chúng tôi quyết tâm huy động mọi công cụ và phương tiện có thể để hỗ trợ Ukraine về tài chính, quân sự, nhân đạo và tất nhiên là hỗ trợ chính trị".
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ ủng hộ Ukraine đến khi nào Ukraine còn cần.
Ông Zelensky kêu gọi EU hỗ trợ thêm cho Ukraine các hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trước các cuộc tấn công của Nga, gây áp lực quốc tế nhằm buộc Nga rút khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine và gây quỹ để tái thiết Ukraine.
TTO - Các ngoại trưởng nhóm nước giàu G7 đã lên án việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào ngày 30-9 và tuyên bố sẽ có thêm hành động để đối phó Nga. Trong khi đó, Mỹ công bố biện pháp trừng phạt mới lên Nga.