Từ năm 2022, ngày 10/10 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lựa chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Để hưởng ứng ngày này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa để nâng cao nhận thức toàn dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình chuyển đổi số.
Nếu như trước đây, chuyển đổi số được coi là bài toán dành riêng cho những người làm công nghệ; ứng dụng chuyển đổi số là công việc của người làm quản lý thì giờ đây chuyển đổi số đã là câu chuyện là thói quen của toàn dân. Từ thành thị tới nông thôn, từ doanh nghiệp tới mỗi người dân, mỗi người đều nhìn rõ và có thể nắm bắt được cơ hội của mình từ không gian số.
Với 100% lãnh thổ phủ sóng di động; 75% người dân dùng Internet; 54 triệu người dân đã tham gia giao thương trực tuyến; 100% doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn điện tử; 100% huyện, 97% xã trên toàn quốc đã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng quốc gia thì kinh tế số đóng góp hơn 10% GDP.
Những con số biết nói trên đã giúp chuyển đổi số hiện diện ngày càng rõ nét hơn trong đời sống, trở thành những thứ có thể nhìn, cầm nắm và cảm nhận được.
Khi người dân bước lên không gian số
Với diện tích khoảng 30m2, thông thường những cửa hàng thường chỉ phục vụ được 30 khách hàng tại chỗ nhưng giờ đây kênh bán hàng trực tuyến giúp họ có thể gia tăng khả năng phục vụ lên gấp nhiều lần. Nhân viên giao nhận liên tục tới xếp hàng để nhận đơn.
"Trước đây để mà một người muốn mở nhà hàng hay là muốn kinh doanh trong lĩnh vực F&B thì cần khoản vốn lớn nhưng giờ mọi người có thể tham gia thị trường này một cách dễ dàng hơn", ông Hoàn Tùng - Chuyên gia về ngành hàng F&B, chủ thương hiệu PizzaHome cho hay.
Còn một khu chợ ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gần như mọi gian hàng đều cho phép thanh toán số. Mỗi tháng có gần 4 tỷ đồng giao dịch qua các mã QR.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến - Ban Quản lý Chợ Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: "Đa phần tiểu thương ở chợ dùng tiền mặt thì ít bởi khi thanh toán tiền hàng hay mua hàng mọi người đều phải dùng bằng tài khoản ngân hàng".
Dự kiến trong năm nay, mỗi huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai 5 điểm chợ 4.0. Không chỉ có chợ số, nhiều mô hình hợp tác xã số, nông trại số hay cánh đồng số đang ngày càng phổ biến ở các địa phương. Kinh tế số giờ không phải là chuyện chỉ có ở thành phố.
Mới đây, những chiếc căn cước công dân gắn chip đã trở thành một trong những mảnh ghép giúp bức tranh chuyển đổi số Việt Nam trở nên rõ nét, hoàn thiện hơn. Hơn 60% cơ sở khám chữa bệnh đã cho phép sử dụng chiếc thẻ này thay cho bảo hiểm y tế. Nhiều ngân hàng cho phép người dân có thể dùng để rút tiền như thẻ ngân hàng.
Mọi công dân trưởng thành vậy là có sẵn trong tay một tấm giấy thông hành và sẵn sàng chuyển đổi số. Thành quả lớn nhất vào lúc này đó là toàn dân, toàn xã hội đã coi chuyển đổi số như một tất yếu và đón nhận nó là một phần cuộc sống của mình bằng tư duy kiến tạo.
Chuyển đổi số: Chuyển từ quản trị sang kiến tạo
Công ty GapoWork cung cấp nền tảng quản trị số cho doanh nghiệp nhưng nhiều khách hàng cho biết, họ khá khó khăn để triển khai phần mềm này cho nhân viên. Rào cản đối với người lao động chính là nỗi lo bị quản lý, bị giám sát. Chính vì thế, mới đây họ đã tiếp cận theo hướng khác - định nghĩa lại sản phẩm là không gian làm vệc số và vì thế nhân sự đã cởi mở hơn khi chuyển đổi số công việc, hiệu quả lập tức cải thiện 30%.
"Chúng tôi giảm được rủi ro khi chúng tôi bán một sản phẩm cho tầm cao nhưng khi triển khai thực tế cho đội ngũ họ không chấp nhận. Khi đó việc triển khai của chúng tôi thuận lợi hơn và tăng tỷ lệ thành công", bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc tăng trưởng GapoWork cho hay.
"Làm sao phải thay đổi tư duy doanh nghiệp, để mọi người thấy rằng chuyển đổi số mang lại trách nhiệm và quyền lợi trong đó chứ không phải họ thiệt thòi gì và phản kháng", ông Hoàng Việt Anh - Tổng giám đốc FPT Telecom cho hay.
Với những chuyển biến mạnh mẽ, phổ biến sâu rộng vào đời sống của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam đầu năm nay vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thay đổi tư duy, từ quản trị, giám sát sang kiến tạo, xây dựng phương thức làm việc mới đã giúp các nền tảng số Việt Nam dần chinh phục được thị trường. Tỷ lệ sử dụng nền tảng nội hiện chiếm hơn 20% và mỗi tháng tiếp tục tăng hơn 1 điểm %.
Với những chuyển biến mạnh mẽ, phổ biến sâu rộng vào đời sống của chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam đầu năm nay vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tượng. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính doanh thu kinh tế số nền tảng Việt Nam riêng quý I đã đạt 8 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình này, hiện đã có hơn 45.000 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 210.000 thành viên tại 51 tỉnh, thành đang sẽ tiếp tục đến từng ngõ, gõ từng nhà giúp mọi người dân đều có thành thục các nền tảng số, công nghệ số, chuyển đổi số và vận dụng hiệu quả vào cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.92823726080012202-gnos-iod-gnort-ten-or-gnac-yagn-neid-neih-os-iod-neyuhc/et-hnik/nv.vtv