9 tháng năm nay, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 10 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cũng tăng trưởng ấn tượng với 40,8 tỷ USD.
6,9 tỷ USD là giá trị xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp sau 9 tháng. Con số này gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn cả cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 6,52 tỷ USD của cả nền kinh tế.
Có được kết quả trên là nhờ một loạt các sản phẩm nông sản chính có giá trị xuất khẩu tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, ví dụ như cá tra đạt 1,9 tỷ USD, tăng tới 83%, cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng trên 37% hay tôm đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 24%.
Đánh giá về kết quả trên, trong một buổi họp báo mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, ngành nông nghiệp tiếp tục vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, vừa đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiếu yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước.
Xoay trục sản phẩm, tìm kiếm thị trường duy trì tăng trưởng
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam đạt trên 10,5 tỷ USD chiếm 25,8% thị phần; đứng thứ hai là thị trường Trung và thứ 3 là thị trường Nhật Bản. Cơ cấu này có vẻ như không nhiều thay đổi so với những năm trước đây, nhưng để giữ được sự ổn định của các thị trường lớn này cũng cần sự linh hoạt, chủ động ứng biến của các doanh nghiệp và sự dự báo kịp thời của cơ quan quản lý.
Đã có thời điểm 71% doanh nghiệp gỗ bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, do nhu cầu thế giới giảm xuống, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ, nhưng chỉ sau 2 tháng con số này tăng tới 11%. Có được con số trên, ngành lâm nghiệp đã xoay trục sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu viên nén, dăm gỗ và trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới.
Ngoài việc xoay trục sản phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi sản xuất, chế biến, ngành nông nghiệp tăng cường đổi mới cách thức để giảm thiểu chi phí đầu vào, giúp giá nông sản của Việt Nam cạnh tranh hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao trên thế giới.
50 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản, đây là mục tiêu năm nay mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp. Và chỉ còn 3 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu này, trước mắt là một loạt những thách thức không hề nhỏ đồi với nông sản Việt Nam.
Không chỉ nông, lâm, thuỷ sản, dệt may cũng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cán mốc trên 10 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Dệt may, tăng trưởng xuất khẩu của ngành này sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm do ảnh hưởng bởi lạm phát và nhu cầu giảm sút. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu cả năm nay đạt từ 43 - 45 tỷ USD, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức.
Thách thức để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu dệt may
Sau tháng 8 tăng kỷ lục, sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã giảm 27%. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất của ngành dệt may kể từ tháng 3 năm nay. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải giảm từ 30% - 40% đơn hàng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu quý 4 và cả năm, ưu tiên lúc này là đảm bảo đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, sẵn sàng đơn hàng cho mùa xuân năm sau.
Ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu quý IV, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm những đối tác mới, chủng loại sản phẩm mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành nghĩa là khả năng phải chuyển đổi nhanh, sản xuất cả mặt hàng dệt thoi dệt kim hay chuyển đổi từ thị trường Mỹ sang Nhật Bản vẫn đảm bảo chất lượng".
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định: "Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần liên tục rà soát chuỗi cung ứng và các sản phẩm cuối cùng được xuất khẩu sang Hoa Kỳ để đảm bảo không vi phạm các quy định của thị trường Hoa Kỳ. Dự kiến giai đoạn tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm các nhà xuất khẩu nhận được các đơn hàng từ Hoa Kỳ".
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo: trong bối cảnh chuỗi cung ứng thay đổi nhanh, khó dự báo để lên kế hoạch dài hạn từ 1 đến 2 năm như trước, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các đối tác mới, kể cả những đơn hàng nhỏ, ổn định để vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra.
Doanh nghiệp đẩy mạnh sản phẩm mới, thị trường mới
Để duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian qua khi bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kịch bản cho những tháng cuối năm và cả sang năm 2023.
Ngoài chất lượng, nhiều thị trường khó tính như châu Âu cũng chú trọng và ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất có các quy trình công nghệ xanh hơn, giảm phát thải, nước thải hoặc tiết kiệm năng lượng.
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Vietnam, cho biết: "Họ đang có nhu cầu mua dầu mỡ, phụ phẩm từ các ngành công nghiệp để người ta sản xuất ra năng lượng xanh, thay thế cho nhiên liệu hoá thạch. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn việc chuẩn hoá các phụ phẩm để đáp ứng các yêu cầu của EU, tăng bán sản phẩm vào thị trường".
Hiện Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, có những hiệp định thương mại chiếm đến 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Từng doanh nghiệp đang chuyển mình để có thể khai tác tối đa các FTA.
Cách đây chưa lâu Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài, và tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025.
Đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức với xuất khẩu từ nay đến cuối năm, những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ nhằm mục tiêu củng cố thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!