Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM cùng đoàn công tác của sở đã có cuộc khảo sát thực tế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá tại Đình Tân Thới Nhứt – Bà Điểm (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Tại đây, ông Thuận làm việc trực tiếp với ông Trần Văn Thanh (66 tuổi), Trưởng ban quản lý Đình Tân Thới Nhứt về ba vấn đề.
Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cùng đoàn công tác của sở làm việc trực tiếp với Hội Ban quản lý Đình Tân Thới Nhất. Ảnh: VÕ THƠ |
Đóng cửa quanh năm vì kinh phí vận hành eo hẹp
Tiếp xúc với Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, ông Thanh bày tỏ mong muốn được giúp đỡ, hỗ trợ thêm kinh phí để trùng tu những điểm xuống cấp bên trong Đình Tân Thới Nhứt.
Theo chân ông Thanh xuống khảo sát, ông Thuận cũng nhìn nhận một số hạng mục cần được tu sửa ngay.
Ông Trần Thế Thuận trao đổi với Trưởng Ban quản lý Đình Tân Thới Nhất về lịch sử của đình. Ảnh: VÕ THƠ |
Cụ thể, tại gian bếp, tường xuất hiện nhiều vết nứt dài. Ông Thanh cho biết một phần do công trình đã lâu đời bị xuống cấp một phần do bị tác động của các hộ dân bên cạnh khi xây dựng. Các mái che, mái tôn, mái ngói ở khu vực nhà bếp và phía sau đình bị thủng lỗ nghiêm trọng, hễ mưa là dột ướt hết, gió mạnh là có nguy cơ bay nóc.
Mái gian bếp thủng lỗ nhiều nơi khi mưa bị dột nát nghiêm trọng. Ảnh: VÕ THƠ |
"Phần trước sân đình khá thấp nên khi có mưa là đều bị ngập. Chưa kể những lần mưa lớn, nước có thể ngập đến đầu gối người lớn, sau khi nước rút để lại nhiều bùn đất vừa mất mỹ quan của đình vừa tốn công dọn vệ sinh. Mong muốn của mọi người là được nâng cấp cái sân lên cao tí cho mưa xuống khỏi bị ngập" - ông Thanh bày tỏ.
Ông Trần Thế Thuận khảo sát các hạng mục xuống cấp của Đình Tân Thới Nhất. Ảnh: VÕ THƠ |
Bên cạnh đó, bốn cây cao, nhiều năm tuổi trong khuôn viên đình cũng bật gốc, có cây ngã ra đường, đâm vào bức tường trước cổng. Ở một góc sân, một gốc cây lớn bị bật gốc nhưng chưa có tiền tu sửa nên vẫn cứ để đó, tạo thành một hố lớn trước sân đình.
Một trong 4 gốc cây bị bật gốc, tạo hố lớn giữa sân đình. Ảnh: Khánh |
Theo ông Thanh, trước đây sân Đình Tân Thới Nhứt xuống cấp nghiêm trọng gây mất mỹ quan. Để chuẩn bị cho hoạt động trồng cây nhân dịp 19-5 thuộc khuôn khổ Lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, ông Thanh huy động Ban quản lý, gây quỹ được khoảng 200 triệu đồng để trùng tu sân và vài hạng mục khác. Nhiều điểm xuống cấp khác cần được trùng tu cũng do Hội gây quỹ để thực hiện.
Tuy nhiên, số tiền huy động được cộng thêm với chi phí hỗ trợ vận hành Đình Tân Thới Nhứt được cấp hàng năm (khoảng 22 triệu đồng) cũng không đủ để trùng tu khi quá nhiều hạng mục xuống cấp.
Bên cạnh đó, Đình Tân Thới Nhứt chỉ mở cửa đón người dân vào thăm, thắp hương vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Kỳ Yên (ngày 15 và 16-2 âm lịch), lễ giỗ Bắc Đô đốc Bùi Tá Hán (15-5 âm lịch), lễ cầu Bông (15 và 16-8 âm lịch), còn lại chịu cảnh đóng cửa im lìm quanh năm do thiếu chi phí thuê nhân công.
“Thuê người quét lá đã tốn chi phí 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng chi phí được hỗ trợ chỉ có tầm 22 triệu/năm, vị chi khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Nếu mở cửa để người dân vào thì đâu có ai trông xe, quán xuyến, tổ chức trật tự và bảo vệ Đình”- ông Thanh cho hay.
Ông Trần Văn Thanh chỉ ra những vết nứt dài trên tường trong gian bếp của Đình Tân Thới Nhất. Ảnh: VÕ THƠ |
Mặc dù là Trưởng Ban quản lý nhưng nhiều lần ông Thanh phải tự bỏ thêm tiền túi để phục vụ việc cúng kiến. Theo ông, những dịp lễ dâng hương thì người dân có đóng góp tiền nhưng số tiền này cũng dùng để trùng tu, vận hành, bù vào chi phí chuẩn bị lễ.
Đáp lại mong muốn của Ban quản lý Đình Tân Thới Nhứt, ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh rằng ban hiến tế đình cứ quyết định chọn ngày thích hợp để sửa chữa lại các hạng mục xuống cấp và kinh phí chắc chắn sẽ được hỗ trợ.
“Vấn đề cải tạo, tân trang một số nơi xuống cấp, hư hỏng của đình là việc làm cần thiết và khẩn trương. Nếu mái tôn không vững chãi thì khi mưa gió gây nguy hiểm mất an toàn, mưa dột nát cũng bất tiện cho quá trình sinh hoạt của bà con trong đình nên đây là việc cần thiết cần sớm triển khai. Kinh phí thì sẽ được trao đổi với phòng, ban quản lý di tích”- ông Thuận nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực của ban quản lý đình đã bảo quản ngôi đình đến giờ phút này vững chắc, giữ được nét uy nghi. Ông Thuận cũng nhìn nhận thực tế có rất nhiều ngôi đình đang xuống cấp nghiêm trọng và nhà nước thì chưa có thể hỗ trợ kịp thời và đầy đủ được. Do đó vai trò của các cô chú trong ban quản lý đình rất quan trọng, nếu không có cái tâm thì không thực hiện được.
8 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đình Tân Thới Nhứt được công nhận là di tích cấp thành phố từ năm 2014. Tuy nhiên, đến nay dù đã qua tám năm, di tích này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Điều gây băn khoăn cho Ban quản lý là dù Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có quyết định khoảnh đất 22,7m2 này thuộc địa phận di tích Đình Tân Thới Nhứt nhưng khi ông Thanh đến xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND Huyện Hóc Môn lại yêu cầu ông chấp nhận loại khoảnh đất trên ra khỏi khu vực đất của di tích.
Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Đình Tân Thới Nhất do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phê duyệt. Ảnh: VÕ THƠ |
“Tôi đi đấu tranh với các cấp đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sáu năm nay rồi. Nếu muốn có cấp sổ đỏ thì địa phương buộc tôi phải ký bỏ cái chốt dân quân ra. Tôi không ký vì không dám cãi quyết định của thành phố cho nên đến nay vẫn chưa được cấp giấy và Đình vẫn chưa có sổ đỏ”- ông Thanh cho hay.
“Tôi làm Trưởng Ban quản lý rồi có lúc sẽ có người kế nhiệm. Tôi chạy sáu năm ròng lo hoàn tất giấy tờ chỉ với hy vọng người chăm lo Đình sau này sẽ có đủ thủ tục trong tay”- ông Thanh bày tỏ.
Mong muốn lớn nhất lúc này của Ban quản lý Đình Tân Thới Nhứt là hoàn thành hồ sơ cho Đình để đảm bảo các quyền lợi, các vấn đề thủ tục pháp lý về sau |
Đáp lại lời ông Thanh, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cam kết từ nay đến hết năm 2022, Trung tâm bảo tồn di tích sẽ cử người giải quyết vấn đề cho Đình Tân Thới Nhứt.
Theo ông Thuận, vấn đề cấp giấy quyền sử dụng đất của Đình với chốt dân quân thì không có vấn đề gì to tát.
“Chốt dân quân đóng ở đây cũng nhằm phục vụ mục đích chung cho người dân chứ không phải gia đình hay cá nhân lấn chiếm, cho nên việc có chốt dân quân cũng như để bảo vệ bình yên cho xóm làng, trong đó có cả Đình Tân Thới Nhứt, để anh em gác ở đây cũng là việc tốt thôi”- ông Thuận phát biểu.
Ông Thuận đưa ra hướng giải quyết vấn đề này là đầu tiên bên đại diện đình cần báo cáo tình hình của đình cho UBND địa phương, sau đó chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan đến đất đai để làm hồ sơ theo đúng quy định, nếu vướng mắc hay cần hỗ trợ thì cứ mạnh dạn báo Phòng văn hóa và UBND xã. Ông cho biết thêm, cuối tháng 10 này sẽ trực tiếp trao đổi chủ tịch, bí thư huyện Hóc Môn về vấn đề này.
Đình Tân Thới Nhứt đã được Vua Tự Đức ban sắc cùng lúc với những ngôi đình khác trên cả nước vào năm 1852; do đó, ước đoán đình được xây dựng vào năm Canh Tuất 1850.
Đình Tân Thới Nhứt là một cơ sở tín ngưỡng dân gian mang ý nghĩa văn hóa phi vật thể, có giá trị về mặt lịch sử gắn với truyền thống cách mạng của vùng đất Hóc Môn và giá trị kiến trúc nghệ thuật. Hàng năm thông qua dịp lễ Kỳ Yên, Nhân dân xã Bà Điểm cùng nhau tưởng nhớ công lao to lớn của Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Thần Nông và các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, dựng đình, lập chợ, thể hiện sự thủy chung, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.Đình Tân Thới Nhứt được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP.HCM năm 2014. |
Với những giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, Đình Tân Thới Nhứt được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số: 1521/2014/QĐ-UB ngày 28 tháng 3 năm 2014 xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Đình Tân Thới Nhứt.