Mỹ sắp bước vào suy thoái
"Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng nếu không xảy ra suy thoái, chúng ta hiếm khi trở lại bình thường - mức mục tiêu khoảng 2%", ông Summers nói với CNN.
"Giờ đây, tôi không nghĩ rằng điều đó có nghĩa là chúng ta ở tình trạng hậu Covid-19 hoặc một điều tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính [2008], nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một giai đoạn kích thích rất đáng kể và tôi cho rằng mặt trái của nó có lẽ là sự suy thoái của nền kinh tế", cựu Bộ trưởng Mỹ nói thêm.
Nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu cảnh báo trong nhiều tháng. Cả cổ phiếu và trái phiếu đều đang lao dốc và nhiều nhà phân tích cho rằng, thị trường Mỹ có thể sẽ tiếp tục biến động cho đến khi lạm phát được kiềm chế. Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ suy giảm 0,6% trong quý thứ hai của năm, theo ước tính tổng sản phẩm quốc nội mới nhất từ Cục Phân tích Kinh tế.
Một số nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách đã bác bỏ những tuyên bố về cuộc suy thoái đầu năm 2023, với lý do tăng trưởng việc làm, chi tiêu tiêu dùng và sản xuất mạnh mẽ. Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết tại một cuộc họp báo rằng, vẫn có nhiều cách để kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, ngay cả ông Powell cũng thừa nhận, con đường đó đã thu hẹp hơn khi Fed buộc phải sử dụng đến các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát.
Tăng lãi suất quá nhanh có thể gây ra suy thoái kéo dài
Triển vọng kinh tế toàn cầu đang u ám và rủi ro suy thoái đang nhanh chóng gia tăng: Đó là thông điệp mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày 6/10 khi tổ chức này một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của mình.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: "Chúng tôi ước tính rằng các quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ít nhất hai quý suy giảm liên tiếp trong năm nay hoặc năm sau. Và ngay cả khi tăng trưởng tích cực, nó vẫn sẽ giống như một cuộc suy thoái vì thu nhập thực tế thấp hơn và giá cả cao hơn".
IMF dự đoán rằng thế giới có thể mất 4 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế từ nay đến năm 2026.
Bà Georgieva nói: "Đó là quy mô của nền kinh tế Đức - một bước lùi rất lớn đối với nền kinh tế thế giới".
Sau khi tăng trưởng toàn cầu đạt tốc độ hàng năm 6,1% vào tháng 10/2021 trong bối cảnh đại dịch phục hồi mạnh mẽ, các ước tính kể từ đó thường xuyên được IMF hạ thấp. Tổ chức tài chính toàn cầu hiện dự đoán tổng tăng trưởng đạt 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm tới.
Bà Georgieva cho biết, những con số này sẽ được hạ xuống một lần nữa khi IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất vào tuần tới.
Tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang tăng trưởng chậm lại do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, bất động sản Trung Quốc khủng hoảng và lạm phát cao lịch sử ở Mỹ.
Bà mô tả thế giới đang ở trong một thời kỳ "lịch sử mong manh", phải chịu đựng những cuộc khủng hoảng bao gồm đại dịch, xung đột quân sự và những làn sóng của thời tiết cực đoan đã góp phần chung vào sự gia tăng chóng mặt của giá cả.
"Trong vòng chưa đầy ba năm, chúng ta đã phải trải qua hết cú sốc này đến cú sốc khác", nhà kinh tế học người Bulgaria nói.
Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục kiềm chế lạm phát nhưng cảnh báo rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhiều có thể đẩy toàn cầu vào một thời kỳ suy thoái kéo dài.
"Không thắt chặt đủ mức sẽ khiến lạm phát trở nên thiếu kiểm soát và cố định - điều này sẽ đòi hỏi lãi suất cao hơn và kéo dài hơn trong tương lai, gây ra thiệt hại lớn cho tăng trưởng và thiệt hại lớn cho người dân, nhưng thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh - đồng thời xuyên quốc gia - có thể khiến nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài", bà nói.
Bà cũng khuyến khích các chính phủ áp dụng chính sách tài khóa tạm thời có mục tiêu để hỗ trợ những công dân dễ bị tổn thương nhất mà không làm tăng lạm phát tổng thể.