Cảnh trong phim được trình chiếu tại liên hoan phim Ý Mọi việc rồi sẽ ổn - Ảnh: IMDb
Trong những năm 50, 60 của thế kỷ 20, điện ảnh Ý là một trong những nền điện ảnh phát triển mạnh nhất thế giới. Phong trào "Tân hiện thực Ý" hay dòng phim nghệ thuật (art film) sau này với những tài năng bậc thầy có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Có lẽ những ai đã từng xem Kẻ cắp xe đạp của Vittorio De Sica, Rome - thành phố mở của Roberto Rossellini hay Con đường (La Strada), Cuộc sống tươi đẹp (La Dolce Vita) của Federico Fellini... đều khó có thể quên được những kiệt tác điện ảnh lừng danh một thời này.
Trong nhiều thập niên qua, dù không còn sức ảnh hưởng lớn như thời hoàng kim, điện ảnh Ý vẫn luôn có những tác phẩm lớn chinh phục khán giả thế giới qua các kỳ LHP quốc tế như Cannes, Venice hay giành giải Oscar cho phim nước ngoài (Ý là nước đoạt giải thưởng này nhiều nhất, cùng với điện ảnh Pháp).
Những bộ phim như Cinema paradiso, Malena của Giuseppe Tornatore, Life is beautiful của Roberto Benigni, The great beauty của Paolo Sorrentino... đều được xem là niềm tự hào của điện ảnh Ý thời hiện đại.
Phía sau những tiếng cười
Bảy bộ phim Ý được sản xuất và phát hành trong hai năm qua do Đại sứ quán Ý phối hợp với LHP châu Á tại Rome tuyển chọn vừa ra mắt khán giả Hà Nội và sẽ được chiếu miễn phí tại rạp Dcine Bến Thành (TP.HCM) từ ngày 10 đến 16-10.
Everything’s gonna be alright (Mọi việc rồi sẽ ổn) - bộ phim khai mạc tại Hà Nội chinh phục khán giả qua phần thảo luận đầy cảm xúc sau buổi chiếu cho thấy một điều: cho dù xa cách về mặt địa lý và văn hóa đi nữa, nếu câu chuyện hấp dẫn và mang những giá trị phổ quát thì nó vẫn hoàn toàn chạm được vào người xem.
Bộ phim với chất bi và hài đan xen, với một cấu trúc kịch bản phi tuyến tính, qua trải nghiệm của nhân vật chính - một nhà làm phim đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sinh mạng.
Và hành trình tái sinh của anh cũng đồng thời là hành trình để anh kết nối lại những đứt gãy trong các mối quan hệ và những bí mật được che giấu hàng thập niên của gia đình.
Bộ phim một lần nữa cho thấy sợi dây gắn kết gia đình trong một xã hội hiện đại tưởng lỏng lẻo đấy nhưng lại bền chặt đến bất ngờ, khi người thân của họ đang đứng ở bờ vực của sự nguy hiểm...
Cảnh trong phim được trình chiếu tại liên hoan phim Ý Cô gái bị trả lại - Ảnh: IMDb
Doctor on call (Bác sĩ khẩn cấp) - bộ phim được trình chiếu khai mạc tại TP.HCM vào tối 10-10 lại mang đến những tiếng cười khác, lúc trào lộng lúc hóm hỉnh, kể về một sự kết nối giữa hai con người xa lạ và có phần cô độc trong xã hội đương đại.
Dr. Mai là một ông bác sĩ già làm nghề khám bệnh khẩn cấp về đêm tại nhà riêng của bệnh nhân. Ông ta luôn cáu bẳn, thô bạo với bệnh nhân vì chứng đau lưng của mình.
Sau một lần va chạm trên đường với Mario, một anh chàng shipper giao đồ ăn về đêm, khiến họ rơi vào tình huống tréo ngoe: chứng bệnh thần kinh tọa tái phát khiến ông bác sĩ già không thể đến nhà bệnh nhân để khám, trong khi chiếc xe đạp của anh chàng shipper bị hỏng khiến anh ta không thể đi giao đồ ăn.
Thế là hai kẻ xa lạ và tưởng như không có gì liên quan ấy kết nối với nhau qua một "phi vụ" mang lại nhiều tiếng cười trào lộng.
Cuộc phiêu lưu táo bạo (với vô số sai lầm) giữa họ mang đến sự kết nối giữa hai con người xa lạ, biết học cách hỗ trợ lẫn nhau và thay đổi cuộc sống của nhau theo hướng tốt đẹp hơn...
Và phía sau những giọt nước mắt
Sự đa dạng của các bộ phim Ý được trình chiếu tại Việt Nam lần này thể hiện rõ qua các thể loại và đề tài. Có những bộ phim bi, hài kết hợp khéo léo (như hai phim kể trên) hoặc lãng mạn hài (Chia tay ở Rome) mang tính giải trí cao và hấp dẫn người xem. Nhưng LHP Ý lần này cũng có những bộ phim chính kịch mang tính hàn lâm từng tham gia tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice và đoạt các giải thưởng điện ảnh của Ý.
Bốn bộ phim còn lại trong tuần phim là The returned girl (Cô gái bị trả lại), The great silent (Sự im lặng vĩ đại), Inner cage (Nhà tù bên trong) và The king of laughter (Ông vua của tiếng cười) mang đến những cái nhìn sâu sắc về các chủ đề liên quan đến xã hội bị chia rẽ hay văn hóa, di sản của nước Ý trước nguy cơ bị phá hủy... Vẫn có tiếng cười thâm thúy đấy, nhưng đằng sau còn là những giọt nước mắt không ai ngờ tới.
Cảnh trong phim được trình chiếu tại liên hoan phim Ý "Ông vua của tiếng cười" - Ảnh: IMDb
Đó là những tác phẩm điện ảnh tinh tế, giàu chiêm nghiệm, được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh mang tính kỹ thuật cao và tinh xảo của người Ý. Ông vua của tiếng cười chính xác là một bộ phim như vậy. Đây được xem là "kiệt tác đương đại" của đạo diễn kỳ cựu Mario Martone, với sự nghiệp kéo dài hơn bốn thập niên và có nhiều phim tranh giải Cành cọ vàng và Sư tử vàng.
Tác phẩm mới nhất của ông (tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2021) được xem là một bộ phim chua cay khi tái hiện lại cuộc đời của ông vua hài kịch nước Ý là Eduardo Scarpetta (diễn viên kỳ cựu Toni Servillo đóng) - người bị ô uế thanh danh vì liên quan đến một vụ vi phạm bản quyền được xem là đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật của nước này.
Phía sau những tiếng cười mà ông vua hài này mang đến cho công chúng đôi khi lại là những giọt nước mắt cay đắng của chính ông.
Gần đây, Perfect strangers (Người lạ hoàn hảo) - bộ phim Ý với chất hài đen (black comedy) giễu nhại về thời đại công nghệ qua những bí mật riêng tư của con người - đã chinh phục khán giả khắp thế giới, trở thành bộ phim được remake (làm lại) nhiều nhất thế giới, trong đó có phiên bản Tiệc trăng máu của Việt Nam cũng rất thành công tại phòng vé.
Đó có lẽ là bộ phim thể hiện rõ nhất cho những "tiếng cười trong bóng tối" của điện ảnh Ý đương đại.
TTO - Trong Tháng Alzheimer thế giới vừa qua, người viết chọn xem lại Still Alice và Wrinkles - hai bộ phim về bệnh nhân Alzheimer đã để lại nhiều suy ngẫm.
Xem thêm: mth.92441649090012202-iot-gnob-gnort-iouc-gneit-gnuhn-iad-gnoud-y-hna-neid/nv.ertiout