Trong tuần qua, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương có giá lúa tăng. Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng duy trì ổn định như: OM 4900 là 6.700 đồng/kg, TS24 là 8.100 đồng/kg. Riêng Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST tăng 100 đồng/kg, lên 7.000 đồng/kg; IR 50404 là 5.600 đồng/kg.
Lúa OM 18 tại Hậu Giang cũng tăng 100 đồng/kg lên 6.500 đồng/kg, riêng RVT vẫn ổn định ở mức 8.500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua không có biến động. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Tuy nhiên, lúa ở Tiền Giang tiếp tục có sự giảm giá ở một vài loại như: IR 50404 giảm 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.400 đồng/kg; riêng OC 10 giảm 300 đồng/kg còn 6.200 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 – 5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600 – 5.800 đồng/kg, OM 18 từ 5.600 – 5.700 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300 – 5.500 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 5.400 – 5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Hiện, nhiều địa phương đã lên kế hoạch cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Tại Long An, địa phương dự báo đỉnh triều cường năm 2022 ở mức cao hơn nhiều so với các năm triều cao kỷ lục năm 2011, 2017 và các năm gần đây, gây ngập theo triều tại những vùng trũng thấp, hai bên bờ sông, các khu đê bao thấp. Địa phương xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, chỉ đạo xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 thích ứng, linh hoạt hợp.
Đặc biệt, các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, Long An vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 trong tháng 11/2022 và không xuống giống trong tháng 12/2022.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2022-2023, Nam Bộ sẽ xuống giống 1,58 triệu ha; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,5 triệu ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển để đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Đối với vùng này sẽ xuống giống sớm, xong trước 30/10.
Về xuất khẩu, theo Báo Tin tức, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này do nhu cầu mạnh mẽ. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ- nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lại giảm do đồng rupee lao dốc và nguồn cung được cải thiện.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 425- 430 USD/tấn vào cuối tuần này, so với mức tương ứng từ 420- 425 USD/tấn một tuần trước đó.
Hiện, Philippines là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, nguồn cung trong nước đang ở mức thấp khi vụ thu hoạch Hè Thu sắp kết thúc.
Các thương nhân dự báo, giá xuất khẩu có thể tăng hơn nữa trong những tuần tới khi nguồn cung khan hiếm do thời tiết bất lợi ở một số nước trồng lúa và nhu cầu tăng cao, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống còn từ 374- 382 USD/tấn từ mức của tuần trước là 376- 384 USD/tấn, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán ra nước ngoài.
Kế hoạch nhập khẩu gạo của nước láng giềng Bangladesh - với tổng cộng 530.000 tấn được mua từ Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ - để hạ nhiệt giá mặt hàng này trong nước đã nhận được phản ứng khá mờ nhạt.
Dữ liệu từ Bộ lương thực Bangladesh cho thấy, chỉ có 139.000 tấn gạo được nhập khẩu trong khi Chính phủ nước này cung cấp hơn 1,3 triệu tấn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn từ 415 - 425 USD/tấn, từ mức 422 - 435 USD/tấn của tuần trước.
Nhu cầu gạo đã suy giảm, song các trận lũ lụt ở nước ngoài có thể làm tăng nhu cầu đối với gạo Thái Lan, với nguồn cung rất dồi dào.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch cuối tuần 7/10, giá các mặt hàng nông sản giao kỳ hạn của Mỹ đồng loạt đi lên, dẫn đầu là giá ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 7,75 xu Mỹ (1,15%), lên 6,8325 USD/bushel. Giá lúa mì giao tháng 12/2022 tăng 1,25 xu Mỹ (0,14%) lên 8,8025 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 9 xu Mỹ (0,66%), lên 13,67 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Lợi nhuận của các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học được cải thiện do chi phí năng lượng tăng cao đã hỗ trợ cho giá ngô và giá dầu đậu nành.
Thị trường tài chính bất ổn cùng với báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và rủi ro tiềm ẩn từ khu vực Biển Đen đang khiến các nhà giao dịch không theo đuổi đà tăng giá của các mặt hàng nông sản. Báo cáo của USDA cho hay, Mỹ tiếp tục "vật lộn" trong việc tìm kiếm nhu cầu ngũ cốc thế giới vì các đề xuất mua hàng hiện không có tính cạnh tranh.
Ước tính năng suất trung bình cho vụ ngô năm 2022 của Mỹ là 171,9 bushels/mẫu Anh (1 mẫu Anh = 0,4 ha), còn năng suất đậu tương là 50,5 bushels/mẫu Anh. Năng suất ngô lại bushels/mẫu Anh. Ước tính dự trữ ngô trung bình trong giai đoạn 2022-2023 của Mỹ là 1,127 triệu bushel, giảm 92 triệu bushel so với tháng Chín; dự trữ đậu tương ở mức 240 triệu bushel, tăng 40 triệu bushel; và dự trữ lúa mì của Mỹ ở mức 563 triệu bushel, giảm 47 triệu bushel.
Các vùng trồng trọt nông sản chủ chốt ở Trung Tây nước Mỹ và vùng đồng bằng đều đang chịu cảnh khô hạn. Băng giá được dự báo sẽ xuất hiện vào cuối tuần và nhiệt độ sẽ ấm lên vào giữa tuần tới.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London (Anh) đảo chiều tăng. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 tăng 15 USD, lên 2.154 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York (Mỹ) cũng chứng kiến xu hướng tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 tăng 0,60 xu Mỹ, lên 208,25 xu/lb (1lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200 – 300 đồng, dao động trong khung 46.600 – 47.100 đồng/kg.
Thị trường cà phê được hỗ trợ bởi nguồn cung ngắn hạn khan hiếm bắt nguồn từ xuất khẩu giảm ở Brazil và Colombia. Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) đã cắt giảm dự báo vụ cà phê năm nay, trong khi sản lượng cà phê của Colombia giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.
Cùng với đó, báo cáo việc làm tháng 9/2022 vừa được Bộ Lao động nước này công bố cho thấy số việc làm mới tạo được của Mỹ trong tháng Chín đã tăng 263.000, theo sau mức tăng của tháng Tám là 315.000 và tốt hơn mức kỳ vọng của thị trường là tăng 250.000 việc làm. Con số tích cực trên giúp các thị trường hàng hóa, trong đó có cà phê có thêm động lực tăng.
Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch qua đường sắt
Vừa qua, Tổng cục Hải quan thông tin tới báo chí, do phía Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “zero covid” với các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ thời gian qua dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, ách tắc tại các khu vực biên giới phía cả hai nước gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Trước tình hình nêu trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn.
Theo Tổng cục Hải quan, đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, hiện, ngành hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, nhân lực để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt.
Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhận thấy cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đang tăng lên của thị trường. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT tải phối hợp thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt.
Cụ thể, cần nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên, như mở rộng khu vực bãi lưu giữ, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm… cho các chuyến tàu chở hàng.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 5 Luật Đường sắt: Cho phép các đơn vị ngoài Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các ga đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ GTVT cũng đang tích cực phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện căn cứ pháp lý liên quan đến việc xây dựng quy hoạch, công bố ga liên vận quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Bộ Tài chính khẳng định nhất trí với nội dung đề xuất của Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép.
Hương Anh (tổng hợp)