vĐồng tin tức tài chính 365

Thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ

2022-10-10 03:18

Đây cũng là vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy trong nhiều năm qua. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sẽ giúp người sản xuất có thêm thông tin về thị trường, tiêu chuẩn của người tiêu dùng để đi đúng hướng. Cách thức này giúp người sản xuất trở nên chuyên nghiệp hơn trong ngành hàng của mình.

Trước đây, nông dân Việt Nam chỉ chú trọng vào sản phẩm do mình làm ra, sản xuất theo sở trường mà không chú trọng vào các yêu cầu và tiêu chuẩn của người tiêu dùng. Nhưng với xu thế hội nhập quốc tế, sản phẩm làm ra phải đáp ứng tiêu chí của người tiêu dùng mới được ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ với giá cao.  

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét, ngành nông nghiệp phải có sự tăng trưởng giá trị, thay vì chỉ tăng trưởng năng suất như trước đây. Người sản xuất muốn tăng trưởng giá trị trên sản phẩm, trước hết phải thay đổi tư duy, tập quán sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, phải xác định được thị trường ngay từ lúc chưa sản xuất để lập kế hoạch thực hiện và tiêu thụ hiệu quả nhất. Có như vậy, sản xuất mới chuyên nghiệp, phát triển nghề bền vững. Thậm chí, nông dân phải tính toán, giải quyết được các yếu tố về chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, giá trị tăng thêm, xây dựng chuỗi ngành hàng và kết nối cung - cầu... thì mới thành công.

Hiện, nhiều nông dân đã thay đổi chính mình. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất nhiều loại nông sản phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, nông dân nơi đây ngày càng chuyên nghiệp, thông thạo hơn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa do chính mình làm ra bằng cách liên kết doanh nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn của khách hàng một cách tốt nhất.

Chia sẻ với Báo Tin tức, anh Huỳnh Hậu Tiến, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, trước đây, gia đình sản xuất 10 ha lúa nhưng kém hiệu quả, vụ trước chỉ đủ gối đầu vụ sau. Từ khi học tập, tìm hiểu thông tin và tìm được doanh nghiệp tiêu thụ chanh không hạt, anh Tiến mạnh dạn chuyển đổi 10 ha lúa kém hiệu quả này sang trồng chanh không hạt. Cả quy trình kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, anh Tiến đều tuân thủ theo yêu cầu của doanh nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ… Nhờ đó, trái chanh không tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu sang châu Âu - một trong những thị trường khó tính của thế giới. Anh cũng liên kết tiêu thụ chanh không hạt xuất khẩu sang châu Âu với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ lâu dài cho đến nay.

Kinh tế vĩ mô - Thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ

Để phát triển chuỗi hàng hóa đảm bảo chất lượng, hiệu quả, người sản xuất và đơn vị tiêu thụ cần có mối liên kết chặt chẽ.

Đánh giá về tiến bộ trong sản xuất và tư duy kinh tế của nông dân, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH chia sẻ, hiện Tập đoàn TH đang triển khai rất thành công mô hình liên kết này ở Lâm Đồng. Tập đoàn TH xây dựng những nông dân kiểu mẫu hay nói cách khác là nông dân trình diễn để nhân rộng, thu hút nhiều người tham gia. 

Thông qua cách làm này, nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa học tập thêm kinh nghiệm sản xuất hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu chất lượng sữa của doanh nghiệp, toàn bộ lượng sữa sản xuất được Tập đoàn TH thu mua với giá cao khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó, các hộ nông dân hiểu thêm về cách làm kinh tế hiệu quả từ chăn nuôi bò thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm như trước đây.

Kể từ sau khi người sản xuất nông nghiệp Việt Nam dần thay đổi tập quán sản xuất và tư duy sản xuất, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã dần thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính của thế giới như Mỹ, châu Âu. Các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, ASC, BAP… luôn yêu cầu người sản xuất tuân thủ quy tắc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sức khỏe môi trường sống. Nông dân Việt Nam đã dần thích nghi và quen thuộc với những tiêu chuẩn này.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Việt Nam là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ nhiều sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp chất lượng của thị trường sở tại và các quốc gia sản xuất cùng loại khác.

Để đạt kết quả này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt khâu tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất làm sản phẩm theo tín hiệu của thị trường, quy hoạch được vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn với mã số vùng trồng giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, cập nhật quá trình sản xuất nên an tâm lựa chọn khi tìm mua hàng. Yếu tố này giúp tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi người sản xuất minh bạch thông tin, liên kết chặt chẽ với đơn vị tiêu thụ.

Chủ động phát huy vai trò “liên kết 4 nhà”

Tại hội thảo “Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - Vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân” được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Lê Chí Phương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội Tp.Cần Thơ thông tin, dù ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún, chưa được liên kết, hỗ trợ từ các hợp tác xã và doanh nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khoảng 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Từ đó, ngành nông nghiệp gặp khó khăn trong chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và khó cạnh tranh.

Theo Tiến sĩ Phương, việc tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay là rất cấp bách, có ý nghĩa thiết thực, giúp hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất cho hộ nông dân. Vai trò của Hội Nông dân có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vận động nông dân chuyển biến tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là hết sức quan trọng. Từ đó, người nông dân từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất.

Kinh tế vĩ mô - Thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ (Hình 2).

Người nông dân cần xây dựng thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa... từ đó nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. 

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, thời gian tới, Hội Nông dân cần vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, khuyến cáo của ngành chức năng; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến bảo quản, chế biến, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kinh doanh... để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

“Hội cần phát huy vai trò trong thực hiện "liên kết 4 nhà", chủ động kết nối với các doanh nghiệp có uy tín để xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy, tăng giá trị trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ" bà Hoa đưa ra giải pháp.

Theo bà Hoa, cần hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, từ đó đẩy mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chính ngạch.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần tập trung vào vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thị trường, trong đó đổi mới chính sách về quy hoạch, về quyền tiếp cận đất đai của các hình thức liên kết nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy hoạch vùng nguyên liệu với sự tham gia của doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước xây dựng chính sách và môi trường pháp lý bảo vệ sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - thương mại; có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản; trong đó, có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng nông dân bị ép giá….

Hương Anh (tổng hợp)

Xem thêm: lmth.288375a-uht-ueit-peihgn-hnaod-av-nad-gnon-auig-tek-neil-iom-yad-cuht/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools