Buổi họp phụ huynh tại một trường THPT ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong cuộc đời có những 'cái chức' không ai muốn 'giành'. Minh chứng ấy khá rõ nét trong những cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm để tìm ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS).
Hai cuộc họp phụ huynh đầu năm mà tôi tham dự đều có chung một điểm, đó là sự "gay cấn" khi bầu BĐDCMHS.
Không ai xung phong
Cuộc họp đầu tiên của đứa con gái lớn diễn ra trước thời điểm bùng nổ các thông tin về việc "lạm thu" nên chủ đề chính của lớp là bầu BĐDCMHS. Đặc điểm trường cấp II của con tôi là mỗi năm học đều xáo lớp vì nhà trường muốn tạo động lực cho các cháu phấn đấu liên tục trong học tập. Lớp mới năm nay không có thành viên nào tham gia BĐDCMHS từ năm trước đó. Thế là sau khi trao đổi thông tin chung về trường, phần "gay cấn" nhất xoay quanh chuyện bầu ban đại diện.
"Có phụ huynh nào xung phong không ạ?", cô chủ nhiệm hỏi. Năm phút trôi qua, không ai trả lời. Một số ít tập trung xem điện thoại, vài người lấy tập của con trong hộc bàn ra xem chăm chú, những vị còn lại cúi mặt... Vẫn im thin thít, cô nhắc lần hai: "Em biết rất khó khăn cho các anh chị, vì phụ huynh sẽ hy sinh nhiều thời gian tham gia gánh vác việc lớp. Nhưng vì các con, mong các anh chị hợp tác".
Tiếp tục không ai nói gì, mọi người nhìn nhau, một vài tiếng xì xầm nho nhỏ "ai làm cũng được, tui ủng hộ hết". Cô gợi ý: "Hay chị B. làm được không? Hôm trước chị rất nhiệt tình lập group phụ huynh giúp lớp". Chị phụ huynh B. cười, lắc đầu: "Dạ em bận lắm cô ơi! Xin phép thôi ạ".
Vài phút tiếp theo, một cánh tay rụt rè giơ lên: "Để cô nói hoài, ngại quá, thôi tôi xin làm, nhưng anh chị nào tham gia nữa để phụ. Có gì thiếu sót mong các phụ huynh cũng thông cảm trước và chúng ta cố gắng làm cho các cháu được tốt nhất".
Khỏi phải nói, cánh tay chị phụ huynh kia đã xua tan không khí nặng hơn chì suốt hơn 20 phút của lớp. Cuối cùng cuộc họp cũng tìm ra hai phụ huynh khác, được những người ngồi cạnh đề cử. Thế là cả lớp vỗ tay rần rần như một sự cảm ơn vì có người "chịu" làm.
Cần lắm sự cảm thông, chia sẻ
Ở lớp đứa con thứ hai thì có sẵn ban đại diện của năm trước đó. Thế nhưng, một vị phụ huynh lớn tuổi lại đề xuất ý kiến nên chọn ban đại diện khác, vì ban đại diện cũ đã làm ba năm. Ý kiến vừa nói ra, anh trưởng BĐDCMHS liền cảm ơn rối rít và xin rút lui ngay. Các thành viên còn lại, theo đó nhẹ hẳn, cũng liền từ chối, khiến cô giáo... bối rối.
Tưởng là cuộc họp nhanh chóng kết thúc, song lại kéo dài vì quay trở lại tiết mục bầu... BĐDCMHS. Vẫn là không khí yên lặng sau khi cô giáo cũng hỏi tương tự ai sẽ xung phong nhận năm nay. Chẳng một ai giơ tay hay trả lời, ngay cả người vừa phát biểu cần thay đổi ban đại diện cũng không muốn làm.
Đã 17h30 nên mọi người muốn họp nhanh để về. Một anh phụ huynh đứng lên phát biểu: "Tôi thấy ban đại diện cũ làm rất tốt, không lý do gì mình phải bầu ban đại diện mới nếu các anh chị sẵn lòng giúp tiếp". Thế rồi mọi người quay sang động viên ba anh chị phụ huynh năm trước làm tiếp. Dù chối "đây đẩy" nhưng trước "sức ép" của đông đảo phụ huynh, họ đành nhận lời.
Thế mới nói, tìm BĐDCMHS đỏ cả mắt chứ không phải đùa! Vì không ai muốn tham gia để rước thêm cái khổ, chuyện thị phi... khi mà bản thân mình còn hàng tá việc để làm, từ chuyện cơ quan đến chuyện nhà cửa mỗi ngày. Khi ai đó tham gia hội phụ huynh tức họ cũng rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm đại diện cho tập thể phụ huynh lớp trong chăm lo, giáo dục các con. Nên cần lắm sự cảm thông, giúp nhau chứ không phải thấy người khác làm thì mình bắt bẻ, xầm xì nhưng bản thân mình lại né tránh, cho mình quyền phán xét người khác.
Để tránh điều tiếng
Để hội phụ huynh hoạt động hiệu quả, các trường nên giúp cha mẹ học sinh nắm xem những gì họ có thể làm được, cái gì không theo quy định của pháp luật, vì đa phần mọi người nhận lời do nhiệt tình là chính. Tránh để những điều tiếng "lùm xùm", từ ý tốt nhưng vì chưa hiểu hoặc hiểu chưa tới nơi, lại làm sai và trở thành đối tượng cho mọi người công kích.
TTO - Cần làm gì để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ Giáo dục - đào tạo và không bị nghĩ là "ban thu tiền"?