Chuyển đổi số đã “đi rộng, đi sâu”
Rẽ vào một hàng rau ven đường, chị Mai Hiền (ở Hà Nội) thanh toán 30.000 đồng bằng cách quét mã QR trên điện thoại người bán rau. Nhiều tháng nay, chị gần như không dùng đến tiền mặt trừ một số việc như gửi xe, còn lại từ ăn trưa, mua hàng, đi siêu thị, nộp tiền học cho con, chị Hiền đều có thể sử dụng các ứng dụng thanh toán khác nhau như chuyển khoản, quét mã QR...
Người dân làm thủ tục cấp hộ chiếu mới qua cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Ngọc Dương |
“Vài năm trước, khi đi du lịch nước ngoài, tôi từng rất ngạc nhiên khi mọi thanh toán đều không cần dùng đến tiền mặt. Nhưng bây giờ, ngay tại VN điều này cũng đã thành hiện thực”, chị Hiền chia sẻ. Thanh toán không tiền mặt là ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang trở thành thói quen tiêu dùng không chỉ tại khu vực thành thị mà cả ở các vùng nông thôn, khi nhiều cửa hàng, người buôn bán nhỏ lẻ đều sử dụng QR code.
Người dân tra cứu thông tin hồ sơ thủ tục tại UBND Q.Bình Thạnh, TP.HCM NGỌC DƯƠNG |
Mới đây tại Hà Giang, do thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng tại huyện biên giới Mèo Vạc, mô hình “lớp học số” đã được tổ chức theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT với sự tham gia giảng dạy của các giáo viên tiếng Anh từ Hà Nội. Lớp học “ảo” được tổ chức trực tuyến qua ti vi và mạng internet kết nối tới 13 xã, xóa nhòa khoảng cách cả nghìn cây số giữa các em học sinh tiểu học vùng cao và các giáo viên đứng lớp tại Hà Nội.
Những câu chuyện sống động trên cho thấy, CĐS với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã thực sự đi rộng, đi sâu vào tất cả các lĩnh vực cũng như thay đổi cuộc sống người dân. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, CĐS là xu thế tất yếu không chỉ riêng VN mà trên bình diện thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép”, vừa chống đại dịch Covid-19 vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, động lực; người dân, DN cũng phải tham gia vào quá trình CĐS.
Các nền tảng pháp lý tạo đà cho CĐS đã được Đảng, Chính phủ quan tâm triển khai từ sớm. Tháng 9.2019, Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình CĐS. Trên cơ sở đó, tháng 6.2020, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 10.10 hằng năm cũng được chọn là ngày CĐS quốc gia.
Kinh tế số tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, VN là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược CĐS quốc gia, với mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030.
Báo cáo của Bộ TT-TT cho biết, hạ tầng CNTT, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ T.Ư đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu CĐS. Tính đến tháng 8.2022, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 DN nhà nước và 14 địa phương; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM... Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà); hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần). 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 10,41% (năm 2021 là khoảng 9,6%); mục tiêu đến năm 2025 đạt 20%. Số lượng DN công nghệ số ước đạt 67.300 DN, tăng gần 3.500 DN so với tháng 12.2021, đạt tỷ lệ 0,69 DN trên 1.000 dân...
Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra, như tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27% (mục tiêu 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66% (mục tiêu 65%).
Bên cạnh đó, thời điểm năm 2019, VN chưa có mô hình đô thị thông minh (smart city) hay trung tâm điều hành thông minh (IOC). Song chỉ sau hơn 2 năm, hàng chục tỉnh, thành đã và đang triển khai các IOC do VNPT và Viettel hỗ trợ xây dựng, là điều kiện quan trọng để xây dựng hệ thống kết nối toàn diện từ Chính phủ tới các địa phương, góp phần thúc đẩy CĐS quốc gia...
Người dân hưởng lợi gì từ chuyển đổi số?
Với những con số ấn tượng trên, câu hỏi đặt ra là người dân và DN được hưởng lợi gì từ quá trình CĐS?
Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), chính phủ số với dữ liệu số và công nghệ số sẽ “thấu hiểu và cung cấp dịch vụ, chăm sóc người dân tốt hơn”. Lấy ví dụ một người lao động VN tại nước ngoài có thể nhận được ý kiến tư vấn, chăm sóc y tế từ xa với các bác sĩ giỏi nhất tại bệnh viện trong nước qua các ứng dụng như VOVBacsi24, giá dịch vụ rẻ hơn gấp nhiều lần so với sử dụng dịch vụ tư vấn y tế tại nước ngoài. Một học sinh THPT ở Hà Giang có thể được học ôn thi đại học trực tuyến với những thầy giáo giỏi nhất ở Hà Nội qua nền tảng Viettel Study hay VnEdu.
Về phía DN, đại dịch Covid-19 đã trở thành cuộc thanh lọc chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, và CĐS trở thành nhu cầu nội tại tất yếu. Đơn cử với lĩnh vực du lịch, theo Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Hoàng Quang Phòng, nếu những năm trước CĐS trong du lịch chỉ tập trung vào một số DN, địa phương thì Covid-19 đã buộc tất cả DN phải thay đổi, lột xác để chuyển mình.
Dù vậy, các DN du lịch vẫn khá “lép vế” trong ứng dụng CNTT so với các công ty nước ngoài. VN hiện có 10 sàn giao dịch điện tử liên quan đến du lịch như ivivu.com, Gotadi, Mytour.vn..., song chỉ chiếm khoảng 20% thị phần cả nước. Trong khi đó, các sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới như Booking, Agoda, Traveloka đang áp đảo, cho thấy con đường CĐS để tồn tại và phát triển của các DN du lịch nội còn rất gian nan.
Tháo vướng mắc, tạo chính sách
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet VN, CĐS đã có được sự quan tâm từ các cấp cao nhất, với khung thể chế, chính sách hỗ trợ và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, như chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, DN vẫn còn hạn chế. Các điểm yếu khác cần được cải thiện trong quá trình đẩy mạnh CĐS quốc gia, như cải thiện điểm yếu về nguồn nhân lực cũng như công dân số. “Thủ tướng cũng đã nói có chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Nhận thức về CĐS đã có trong đa số người dân, nhưng phải có sự chuyển đổi năng lực để tiếp nhận, thực hiện CĐS, đó mới là động lực mới để CĐS thực sự đi sâu vào đời sống người dân”, ông Liên nhìn nhận.
Trao Giải thưởng Chuyển đổi số VN 2022
Chiều 9.10, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT, Hội Truyền thông số VN phối hợp Tạp chí điện tử Viettimes tổ chức lễ trao Giải thưởng CĐS VN - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022). 49 tổ chức, DN và sản phẩm, giải pháp CĐS xuất sắc đã được vinh danh. Qua 5 mùa tổ chức, Giải thưởng CĐS VN đã tiếp cận được hơn 13.000 lượt cơ quan, tổ chức, DN trên 63 tỉnh thành, thu hút gần 1.400 hồ sơ tham dự. 350 cơ quan, DN, đơn vị sự nghiệp và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu đã được vinh danh.
TTXVN