Nhiều bạn trẻ hiện nay hay tìm vui bên bàn bia bọt - Ảnh: T.T.D.
"Tụi em vào Nam cả nhóm bạn 7 thằng cùng làm một công việc ở công ty, cùng lãnh mức lương gần 10 triệu như nhau, nhưng 5 thằng lúc nào cũng túng thiếu, nợ nần tùm lum, còn 2 thằng lại đầy đủ, gửi được cả tiền về giúp gia đình", anh Nguyễn Vẹn, 29 tuổi, một công nhân ở KCN Linh Trung, thành phố Thủ Đức, cười mếu kể chuyện.
Vẹn và các bạn đều quê Quảng Bình, đã vào làm công nhân ở miền Nam từ năm 2017.
Nhậu và... nợ
Vẹn vẫn nhớ chuyến vào TP.HCM đầu tiên trong đời là mùa hè năm 2017. Cả nhóm 7 đứa bạn đeo ba lô "Nam tiến" sau mâm rượu chào bà con và lời hứa hẹn trễ nhất 10 năm nữa họ sẽ về lại quê hương sau khi phải xa nhà kiếm tiền "đổi đời".
"Nhưng đến giờ chỉ có 2 thằng tạm ổn, không nợ nần và có giúp được cha mẹ chút xíu. Còn 5 thằng tụi em thì vẫn trên... răng dưới dép lê, phải mượn chỗ này vay chỗ nọ để đắp đổi, đến tết nhất còn không dám về quê", Vẹn tâm sự.
Khi được hỏi lý do vì sao 7 người cùng rời quê và cùng làm một mức lương, 2 người "đầy đủ", 5 người lại thiếu nợ, Vẹn gãi đầu: "Nhiều khi tụi em cũng tự hỏi nhau câu này và có câu trả lời giống nhau là do... nhậu nhiều quá, làm được đồng nào rơi rớt hết vào đáy ly bia".
Người thanh niên 29 tuổi, vẫn chưa lập gia đình này, không ngại nói thẳng là nhiều khi họ còn nhậu tới mức "ký sổ nợ" ở các quán quen. Mới ngoài ngày 20 mỗi tháng đã bay hết lương, mà bạn bè hú hí nhau nhậu nhẹt thì không kìm nổi.
Thế là, họ nhậu quán quen để được "ký sổ" hoặc nhìn qua ngó lại coi mặt thằng nào còn "hồng hồng", tức còn tiền để nhờ ứng trước tiền nhậu, khi lãnh lương sẽ trả lại. Mà anh em cùng là công nhân và cùng là... "lon bia ưu tú" như nhau, nên chẳng mấy khi có tiền để cho bạn ứng.
"Nhiều khi tụi em ngồi nghĩ cũng tự giận chính mình. Đi làm lãnh lương gần 10 triệu, chủ công ty đã bao cơm bữa trưa, hôm nào tăng ca được thêm suất ăn khuya. Vậy mà cứ xài bay biến hết lương chỉ ngót nghét trong 20 ngày mỗi tháng", Trần Văn Lam, 27 tuổi, bạn đồng hương và đang ở chung phòng trọ với Vẹn, góp chuyện.
Họ thuê phòng 30m2 cho 5 người ở chung để bớt tiền trọ (chỉ 650.000 đồng/người/tháng) thì cả 5 người đều nợ đầm đìa. Còn 2 người ra ở riêng, phải thuê chung phòng trọ 2.000.000 đồng thì lại có dư, dành dụm được và chỉ có một lý do là họ không... mê nhậu.
Lam kể tỉ mỉ hoàn cảnh nợ nần và tất cả đều xoay quanh chuyện ban ngày "cày bừa" kiếm tiền, đến chiều tối lại "rơi rớt" hết vào đáy ly bia. Mỗi tuần 3, 4 buổi tối, họ ngồi bù khú ở quán, mỗi thằng góp vào 300.000 - 400.000 đồng để nhậu nhẹt bia bọt, mồi mèn bình dân. Những tối còn lại thì mua bia, mồi về nhậu ngay phòng trọ "cho rẻ".
Thêm một khoản nữa là mỗi tháng họ vài ba lần nhận lời mời nhậu nhẹt "xã giao", sinh nhật với các bạn bè khác trong công ty. Dù vẫn rất bình dân nhưng mỗi người cũng phải chia nhau ít nhất vài trăm ngàn đồng trong thời buổi bão giá này...
Những cuộc nhậu nhanh chóng làm mỏng túi tiền người trẻ - Ảnh: T.T.D.
Gánh nặng đè lên vai vợ
Hiện nay, quán nhậu từ cao cấp đến bình dân hiện diện khắp nơi đã cuốn nhiều người lao vào tìm vui ở men say. Người già nhậu, giới trẻ nhậu còn "ác liệt" hơn. Một số bạn có thu nhập khá còn đỡ, những người trẻ thu nhập còn hạn chế như mới đi làm, công nhân, lao động phổ thông thì đồng tiền kiếm được đều "trôi nổi" vào những cuộc vui say chừng như bất tận.
Chúng tôi đã thử khảo sát bỏ túi vài mươi bạn trẻ thuộc thành phần "lon bia ưu tú" mà thu nhập còn khiêm tốn này, và gần phân nửa cho rằng tiền la cà quán xá buổi tối với bạn bè chiếm 30 - 50% thu nhập của họ mỗi tháng, thậm chí 70 - 80%.
Người đang độc thân, sống với cha mẹ thì trả lời do về "ăn ngủ chung nhà cha mẹ" nên chi phí ít cũng ổn. Còn người đã có gia đình lại nói có vợ "san sẻ" bớt (không hiểu thực tế là "san sẻ" hay chuyển gánh nặng cuộc sống qua vai vợ khi người chồng để thu nhập vỗ cánh bay theo những cuộc vui say cùng bạn bè).
Trong phòng trọ chật chội chỉ hơn hai manh chiếu ở con hẻm 76 nhỏ xíu, sâu hút đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Nga, công nhân KCX Tân Thuận, cười mếu tâm sự nhậu nhẹt của người chồng trẻ và gánh nặng chi phí gia đình.
"Lúc nào không nhậu thì ảnh cũng chí thú làm ăn lắm. Nhưng khi đã nâng ly với bạn bè thì như quên hết mọi chuyện, kể cả tiền mua sữa cho con hay tiền trọ nhà. Vợ chồng quanh năm suốt tháng chỉ lục đục mỗi chuyện này, riết mình nản quá nói ảnh nhậu thì nhậu nhưng phải bảo đảm phụ vợ trả tiền nhà trọ 2 triệu đồng mỗi tháng và tiền sữa cho đứa út, tiền học hành cho thằng lớn đang lớp 2", cô công nhân 28 tuổi tâm sự với vẻ mệt mỏi.
Nga kể thêm thật ra khoản trách nhiệm cô tự định ra cho chồng chỉ là một nửa thu nhập của anh, nhưng 10 tháng thì anh thiếu hụt hết 9 tháng, cứ bắt vợ phải bù thêm mà đồng lương công nhân của cô đã phải dành riêng để lo miếng ăn uống cho gia đình 4 người và nhiều thứ linh tinh khác...
Thực tế câu chuyện của gia đình Nga không phải là cá biệt. Rất nhiều cô vợ, nhất là những gia đình lao động phổ thông, công nhân, có cùng nỗi niềm này. Những người chồng cứ tan giờ làm là không ghé quán nhậu thì cũng tụ họp cụng ly côm cốp ở phòng trọ bạn bè nào đó.
Nguyễn Thị Nghĩa, cô công nhân quê Bắc Giang, đã lập gia đình 7 năm với người chồng đồng hương đang làm ở KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, kể: "Em cứ mong có con thì anh ấy biết dè sẻn, bớt đổ tiền vào bia bọt. Nhưng hình như thành nếp quen rồi, mỗi tuần vẫn 4, 5 lần say với bạn bè. Ăn nhậu bình dân, rẻ tiền thế nào thì cũng mất hơn nửa tiền lương vào đấy, rồi còn chi phí xăng xe cá nhân, nên đâu còn mấy đồng đưa về cho vợ con. Mình không nói ra thì thôi, nhưng nói thì thế nào cũng căng thẳng, ồn ào, xấu hổ cả với xóm trọ".
Tình trạng "còn trẻ cứ vui vẻ, nay say hết tiền thì mai đi cày tiếp" trong những ông chồng trẻ đang là gánh nặng cho những người vợ, thì ở những người còn độc thân lại càng phổ biến hơn. Chúng tôi khi viết bài này, đã đi khảo sát nhiều quán xá và cảm nhận rất rõ. Đặc biệt, các quán bình dân quanh các khu công nghiệp, nhà máy chiều tối nào cũng đông nghẹt người trẻ khề khà cụng ly, mơ màng trong men say mà bất chấp túi tiền vốn đã mỏng của mình sẽ càng mỏng hơn.
"Một tuần anh ấy đi nhậu chia tiền với bạn bè 3 lần đã hết gần nửa tiền lương công nhân làm cả tháng, chưa kể còn thường xuyên í ới nhau mua bia, góp mồi về phòng trọ nhậu. Thế thì còn gì tiền đưa về cho vợ nuôi con".
Nguyễn Thị Nghĩa
Anh N.T.T., chủ quán nhậu L.T. kế bên KCN Tân Tạo, cũng chẳng ngại ngần nói thẳng mình nhẵn mặt các công nhân "tìm vui" đều đặn hằng tuần ở quán. Hầu hết đều nhậu rất bình dân, họ uống bia giá rẻ, mồi mèn cũng chỉ kêu đĩa xào, nồi lẩu nhỏ và tổng hóa đơn chỉ ngót nghét 1.000.000 đồng hoặc hơn chút cho bàn nhậu 3, 4 người. Mỗi người chia ra trả khoảng 300.000 đồng.
"Coi vậy chứ mỗi tuần ngồi 1 lần thì còn đỡ, chứ đồng lương công nhân mà ngồi 3 lần 1 tuần kiểu này đã cháy túi, chứ đừng nói 4-5 lần thì xin thêm tiền người nhà hay nợ nần là cái chắc", chủ quán L.T. nói thẳng.
Không ít người trẻ đang "rơi rớt" hết tiền vào đáy ly bia cũng tâm sự thật lòng ban đầu họ nhậu nhẹt vì muốn tụ họp anh em cho khuây khỏa nỗi buồn xa nhà, nhưng riết rồi đâm quen mùi rượu bia và thiếu thì nhớ. Ai cũng biết men say dâng cao thì túi tiền mỏng xuống, nhưng nỗ lực hạn chế rượu bia cứ liên tục thất bại...
Kỳ tới: Nên tiêu dùng thông minh, đầu tư vừa sức
Chi tiêu trong khả năng, quản lý tài chính hợp lý, tạo nguồn thu từ các kênh đầu tư vừa sức chính là chìa khóa để các bạn trẻ mở cánh cửa tương lai. Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
TTO - Không ít người trẻ ngày nay khấm khá nhanh nhờ biết làm ăn. Họ đã tận dụng thành công sức trẻ, lòng say mê và quỹ thời gian dài rộng để viết lên những câu chuyện của đời mình.
Xem thêm: mth.64112203290012202-aib-yl-oav-teh-tor-ior-cab-neit-5-yk-neit-iax-ert-iougn/nv.ertiout