Đã có nhiều vụ lừa đảo bị phát giác, nhiều nạn nhân mất tiền do tin theo những "người có ảnh hưởng" chuyển tiền cho các ứng dụng di động, đầu cơ ngoại hối, tiền ảo Bitcoin, hoặc những sản phẩm tài chính phức tạp. Nạn nhân đa số là những người ít kiến thức về tài chính, nhắm mắt chuyển tiền mà không biết rằng người mình tin tưởng trên mạng xã hội, thực ra là được thuê đăng bài.
Chuyên trang kinh tế của báo Pháp Le Figaro tuần qua có bài dài về "Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sắp phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật" khi quảng bá các sản phẩm tài chính.
Tờ báo dùng đến cả từ "lừa đảo" khi đề cập những quảng cáo trá hình gợi ý xuống tiền mua sản phẩm rủi ro mà không kèm theo cảnh báo, hoặc dẫn dụ theo cách không trung thực vào cổ phiếu, đầu cơ ngoại hối, hay tiền ảo…
Theo bài báo, sau đại dịch gần 1 triệu người Pháp đã mở tài khoản chứng khoán nhưng có tới 80% không hiểu biết gì mấy về thị trường tài chính. Các nhà đầu tư mới, trẻ, liều lĩnh, dễ dàng nghe theo lời phím của những người có ảnh hưởng trên mạng rằng lợi nhuận khủng mà lại không rủi ro, chỉ ngồi nhà nhấp chuột cũng ra tiền.
Cách đây 3 năm, nhà chức trách Pháp đã phạt tiền một người mẫu khá tai tiếng. Tờ Domani ra tại Italy nhắc lại vụ này. Theo đó, cô Nabilla đã nhận tiền để quảng cáo cho một trang web môi giới Bitcoin nhưng trên mạng xã hội thì cô này lại không nói gì đến chuyện được thuê, mà lại làm ra vẻ tự mình đầu tư và lãi lớn. Cơ quan chống gian lận tài chính của Pháp đã tiến hành điều tra. Cô này bị kết tội gian dối và phải nộp 20.000 Euro tiền phạt.
Tại Anh, nhiều nghị sĩ đã kêu gọi ra luật cấm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng bá đầu tư tài chính. Theo tờ Tin điện hàng ngày, 2 người mẫu và 4 diễn viên người Anh, có tổng cộng khoảng 10 triệu người theo dõi trên Instagram, đã chia sẻ video hoặc đăng ảnh đang xem biểu đồ đầu cơ ngoại hối, kèm theo đường dẫn tới một nhóm chat trên WhatsApp. Tất cả 6 diễn viên và người mẫu ấy đều nhận tiền để quảng cáo trá hình cho một dịch vụ tài chính không khác lừa đảo là mấy.
Luật lệ các nước châu Âu không cấm quảng cáo sản phẩm tài chính nhưng phải thể hiện rõ là quảng cáo, không được vờ là trải nghiệm cá nhân. Vấn đề là ý kiến cá nhân trên mạng xã hội lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật quảng cáo.
Quay trở lại tờ Le Figaro, nước Pháp đã ra luật bắt buộc người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phải thể hiện rõ ngay từ đầu để người xem hiểu đó là quảng cáo. Cảnh sát tài chính sẽ dùng robot phát hiện nhanh trên mạng xã hội các quảng cáo tài chính bất hợp pháp.
Một luật khác sẽ có hiệu lực cuối năm nay buộc các công ty chỉ được thuê quảng cáo trên mạng xã hội những người đã có chứng chỉ do cảnh sát tài chính cấp. Mục tiêu là tránh cho nhà đầu tư ít kinh nghiệm khỏi tán gia bại sản do tin vào những lời phím không hề vô tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.3525402101012202-ioh-ax-gnam-nert-ut-uad-ab-gnauq-tas-maig-pahp/et-hnik/nv.vtv