Toàn cảnh hội thảo khoa học chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ
Chiều 10-10, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp với Sở Nội vụ TP tổ chức hội thảo khoa học chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP.HCM thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc vượt lạc hậu nhờ nhân tài
Là chuyên gia từng làm việc tại một công ty lớn ở Nhật Bản và trực tiếp được thu hút, tuyển dụng bởi Khu công nghệ cao TP.HCM trong cả hai chương trình thử nghiệm (2014 - 2019) và chính thức (2019 - 2022), TS Hoàng Thế Bân - chuyên gia Khu công nghệ cao TP.HCM - là người thấy được rõ các bất cập trong chính sách thu hút chuyên gia của Việt Nam so với các nước.
Nhìn về các nước tại khu vực châu Á, chuyên gia này cho rằng sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản trong thập niên 50 - 70, Hàn Quốc thập niên 60 - 90 và Trung Quốc trong ba thập niên gần đây có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của nhiều thế hệ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là Nhật kiều, Hàn kiều và Hoa kiều.
Lực lượng này được đào tạo chính quy, bài bản tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Tây Âu và được các nước thu hút về góp phần đưa Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ một nước lạc hậu trở thành nước công nghệ hiện đại.
TS Hoàng Thế Bân - chuyên gia Khu công nghệ cao TP.HCM - nêu ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ
Còn tại Việt Nam, theo thống kê, khả năng cạnh tranh nhân tài năm 2020 chỉ xếp hạng 96/132 quốc gia, thấp hơn 4 bậc so năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam chưa thực sự coi trọng vấn đề thu hút nhân tài hoặc chính sách thu hút chưa hiệu quả.
"Nhìn lại 10 năm qua, TP.HCM đầu tư nhiều công sức, tiền của cho chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học nhưng thời điểm này, chắc chắn nhiều người không hài lòng, kết quả không đạt như kỳ vọng. Từ năm 2012 phải mất hai năm để có chính sách, tiếp tục phải mất hai năm từ khi có quyết định đến khi thực hiện", ông Bân cho rằng các việc xây dựng chính sách và thực thi quá dài.
Theo ông Bân, chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM 10 năm qua quá bị động. TP.HCM đưa ra các chủ trương chính sách và chờ chuyên gia nộp đơn vào, rất kém hiệu quả. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chủ động tiếp cận các chuyên gia trên toàn thế giới.
Các nước cấp ngân sách cho 200 đơn vị trên toàn thế giới tiếp cận các chuyên gia. Điển hình như Trung Quốc đặt mục tiêu 10 năm thu hút 1.000 người nhưng kết quả thu hút được 3.000 người.
"Tôi tha thiết đề nghị TP nghiên cứu xây dựng chương trình hội tụ nhân tài, song song với chương trình thu hút nhân tài. Tăng cường giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin giữa nhân tài người Việt Nam và nước ngoài", ông Bân đề nghị.
Chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM nhiều bất cập
Cùng quan điểm với TS Hoàng Thế Bân, TS Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho rằng thời gian qua TP.HCM đã đưa ra rất nhiều giải pháp để thu hút chuyên gia. Tuy nhiên, những chính sách còn rất nhiều bất cập.
Theo ông Dũng, nhiều ý kiến đưa ra là thu nhập cho chuyên gia hiện nay không phù hợp. Trong khi giai đoạn thí điểm mức thu nhập cho chuyên gia lên đến 150 triệu/tháng nhưng đến nay còn 13 triệu/tháng. Không chỉ vậy, quy trình thu hút chuyên gia rất phức tạp và không phù hợp với thực tiễn.
TS Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - nhìn nhận chính sách thu hút chuyên gia của TP.HCM có nhiều bất cập - Ảnh: THẢO LÊ
Bên cạnh đó, chính sách cũng lộ rõ hạn chế khi tập trung thu hút chuyên gia vào TP.HCM nhưng lại quên những chuyên gia tại chỗ. Như Trung tâm Tin học TP có rất nhiều chuyên gia giỏi được đào tạo bài bản tại nước ngoài nhưng mức thu nhập hằng tháng chỉ 5-6 triệu/tháng, không có chính sách đãi ngộ để giữ chân họ.
Ngoài ra, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận các đặt hàng nghiên cứu của TP dường như không có hệ thống, chưa có tầm nhìn dài hạn. "Không thể nào xây dựng chiến lược dài hạn đến năm 2045 mà chỉ đặt hàng chuyên gia nghiên cứu, tham luận trong vài tháng", ông Dũng nói.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết xu thế các nước hiện nay là xây dựng mô hình "chính phủ mở". Tức là làm sao thu hút được sự tham gia của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền giải quyết các vấn đề.
"Thu hút chuyên gia ở đây không chỉ là một cá nhân nào mà thu hút cả cộng đồng cùng khu vực công để tìm ra giải pháp", ông Dũng nói.
Ông Dũng đề xuất chính sách thu hút nên được tiếp cận theo phương pháp đổi mới sáng tạo mở chứ không nên chỉ ở thù lao cho chuyên gia. Thu nhập không phải là vấn đề cốt lõi mà chuyên gia cần có môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, hợp tác các bên để tạo nên một hệ sinh thái mở.
Đồng thời, TP cần xây dựng chính sách phát hiện, tuyển chọn có hiệu quả, tinh gọn gắn với công tác đánh giá năng lực phù hợp với yêu cầu của TP.
Cuối cùng, ông Dũng đề nghị TP nên thí điểm cơ chế tài chính trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khác với quy định hiện hành. Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý cho triển khai các chương trình khoa học công nghệ dài hạn.
Nhật Bản đã nâng mức giới hạn số người được phép nhập cảnh nước này lên 20.000 người/ngày từ ngày 1-6, và đang nỗ lực tạo thuận lợi cho việc tăng cường tuyển lao động nước ngoài thời hậu COVID-19.
Xem thêm: mth.37200409101012202-iat-nahn-ut-ioh-hnirt-gnouhc-gnud-yax-mchpt-ihgn-ed-teiht-aht-iot/nv.ertiout