Báo đầu tư của Pháp có bài "Việt Nam - Miền đất hứa của châu Á", với nhìn nhận lực lượng lao động tay nghề cao, hệ thống các hiệp định thương mại và những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.
Chuyên trang kinh tế và tài chính của Thuỵ Sĩ thì nhận định: Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của Chính phủ và sự hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, trước các bất ổn kinh tế - chính trị trên phạm vi toàn cầu, việc các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế vẫn giữ vững niềm tin vào sức mạnh nội tại và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam là hết sức tích cực.
Cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng
Trong trung và dài hạn, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng, đồng thời duy trì thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhận định: "Để đảm bảo rằng Việt Nam tiếp tục giữ vững tính cạnh tranh cần phải có môi trường đầu tư mạnh, có luật lệ công bằng, minh bạch trong quá trình phê duyệt và mở rộng đầu tư. Ngoài ra tôi cho rằng, việc thực hiện kịp thời các chính sách thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông tiềm năng và giúp Việt Nam duy trì sức hấp dẫn đối với dòng vốn FDI".
"Với những dữ liệu hiện có, chúng tôi dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và có thể là một lần nữa vào năm 2023. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần kiên nhẫn. Lạm phát cơ bản của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô một cách thận trọng, giữ cho con thuyền kinh tế hoạt động ổn định và vững tay lái", GS Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana chia sẻ.
Bà Era Dable-Norris - Trưởng Đoàn giám sát của IMF về Kinh tế vĩ mô, Tài chính, Tiền tệ đánh giá: "Thời gian tới, rõ ràng sẽ có rất nhiều sự bất ổn về các yếu tố bên ngoài nên điều kiện tài chính, chính sách tiền tệ của các nước lớn sẽ thắt chặt hơn. Các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ ít nhiều có sự tăng trưởng chậm lại. Ưu tiên với Việt Nam vẫn là đảm bảo ổn định giá cả trong nước, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô".
"Hợp tác chặt chẽ giữa lĩnh vực công và tư sẽ giúp kinh tế Việt Nam đứng vững trước tác động của bối cảnh thế giới. Ví dụ chúng tôi nhận thấy các công ty đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng và loại bỏ sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc hai thị trường. Các cơ quan lẫn Chính phủ và doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đó", ông Bernardo Bautista - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia DHL Express Việt Nam cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.94334219011012202-a-uahc-auc-auh-tad-neim-man-teiv-pahp-oab/et-hnik/nv.vtv