Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Thực ra, suốt mấy mươi năm qua, sau những bụi bặm, nhọc nhằn đường xa gắn với các chuyến đi nghiên cứu về di cốt người cổ, PGS.TS Lân Cường lại khoác áo đuôi tôm, cầm chiếc đũa và lên sân khấu phiêu diêu cùng những bản hợp xướng của mình. Ông bảo, đó là niềm đam mê từ thuở thiếu thời.
Chẳng là, hơn 60 năm về trước, cậu bé Lân Cường vốn thích vẽ và nổi tiếng trong giới học sinh Hà thành khi từng là "thủ lĩnh" của dàn hợp xướng Trường phổ thông 3A Lý Thường Kiệt (nay là Trường THPT Việt Đức), sớm có những sáng tác đoạt giải các cuộc thi trong giới học sinh - sinh viên như ca khúc Tiếng hát bản Mường, hợp xướng Tiếng ca trên bè gỗ.
Yêu nghệ thuật song một lần nghe cha định hướng "Nhà đã có một người làm nghệ thuật (anh Nguyễn Lân Tuất) thì con nên đi làm khoa học", Lân Cường thi vào khoa sinh vật của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Thế nhưng, đang học năm thứ nhất chàng sinh viên này vẫn lén tham gia thi và trúng tuyển vào đội kịch (có cả Trọng Khôi) thuộc đoàn nghệ thuật của Bộ Văn hóa cử sang Liên Xô học tập. Tuy nhiên, đến lúc chuẩn bị sang Liên Xô thì đội kịch phải ở lại.
Từ đó, Lân Cường bằng lòng trở lại giảng đường đại học và gắn bó cả cuộc đời mình với khoa học, để lại những thành tựu quan trọng về chuyên ngành cổ nhân học của Việt Nam.
Điều thú vị là Nguyễn Lân Cường không ngừng nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Bằng những kiến thức cơ bản được học về âm nhạc từ khu học xá Nam Ninh với các thầy Túc Nhân Kim (Trung Quốc), Phạm Tuyên, Nguyễn Hữu Hiếu (Việt Nam), ông nghĩ ra cách ghi nhật ký trên đường nghiên cứu khảo cổ bằng những nốt nhạc.
Bởi vậy, trong 60 năm qua cùng với những công trình nghiên cứu quan trọng về ngành cổ nhân học như: Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (1996), Bí mật phía sau nhục thân của các viện thiền sư (2009), Nghiên cứu những di cốt người cổ (di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm - Khánh Hòa - 2014)...; ông còn có hơn 70 tác phẩm âm nhạc, trong đó có cả hợp xướng, ca khúc.
Vì hình thức sáng tác phần lớn là ghi nhật ký nên các tác phẩm âm nhạc của ông thường được bắt nguồn từ những sự việc, câu chuyện cụ thể, được thể hiện giản dị, nhẹ nhàng và không bó hẹp cho đối tượng cụ thể nào.
Trong đó, bên cạnh những tác phẩm xúc động lòng người như Vị tướng của lòng dân, Về đi em, Bài ca về những người lính đảo, Sau lời tuyên thệ, Bài ca địa chất, Cảm xúc Hoàng Thành...; ông còn có nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi được nhiều người biết đến như: Con búp bê của em, Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi, Con thích làm nghề gì?, Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa...
"Lòng tôi luôn tha thiết với trẻ thơ. Với tôi, việc viết cho trẻ chưa bao giờ dễ, phải đi vào thế giới và nói theo ngôn ngữ của chúng vì các em rất trong sáng, công bằng, bài hát phải phù hợp, phải hay chúng mới hát", nhạc sĩ chia sẻ.
Sau Nhật ký trên khóa sol, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đang ấp ủ dành những năm tháng cuối đời hoàn thành ba chương của bản giao hưởng lịch sử Nguyễn Trãi cũng như xuất bản một số cuốn sách về cổ nhân học như Bộ xương nói với bạn điều gì?
Chúng tôi đi tìm những ngôi mộ cổ, Những di cốt người cổ Việt Nam... Với nhà khoa học này, còn sức lực là ông còn muốn được bận rộn để cống hiến cho khoa học và thăng hoa cùng những nốt nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (giữa) chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình nghệ thuật Nhật ký trên khóa sol - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Trong chương trình Nhật ký trên khóa sol, gần 20 tác phẩm được viết trên suốt chặng đường lao động khoa học của nhà cổ nhân học - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - được vang lên mộc mạc mà đầm ấm, thuần hậu.
Như nhạc sĩ Doãn Nho từng đánh giá: "Một tâm hồn sao mà đẹp, mà trẻ thơ, mà xanh biếc...
Một con người nhỏ bé nhưng thật mạnh mẽ...", thật xúc động khi được thấy nhà khoa học ở tuổi xưa nay hiếm mà vẫn tràn trề năng lượng để hai lần bay bổng cùng dàn hợp xướng Hanoi Harmony trong Book Hồ sống mãi với lũ làng, Bài ca địa chất.
Cũng tại chương trình, nhà khoa học Nguyễn Lân Cường được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng kỷ lục Việt Nam: "Người nghiên cứu nhiều nhất các di cốt người Việt cổ Việt Nam: 1.093 cá thể" và là thành viên của gia đình cụ Nguyễn Lân được vinh dự nhận bằng tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục Việt Nam: "Gia đình đầu tiên có tám anh chị em ruột đều là giảng viên đại học ở các bộ môn, đóng góp nhiều giá trị đặc biệt cho nền giáo dục Việt Nam".
TTO - Dàn nhạc giao hưởng uy tín nhất ở Romania mang tên Bucharest Symphony Orchestra sẽ đến Việt Nam trình diễn cùng nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân trong chương trình hòa nhạc quốc tế Cello Fundamento 6 do nghệ sĩ này tổ chức vào ngày 15-11.
Xem thêm: mth.15751039011012202-cahn-iohc-coh-nahn-oc-ahn-gnouc-nal-neyugn-stsgp/nv.ertiout