Học sinh tại Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa - Ảnh: website Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngày 11-10, Công an TP.HCM cho biết, hiện nay, nổi lên hoạt động của tội phạm lợi dụng thời điểm đầu năm học, mạo danh nhà trường gửi tin nhắn đến phụ huynh học sinh để yêu cầu đóng tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân.
Cụ thể, các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn giả danh là nhân viên phòng tài vụ của nhà trường gửi tin nhắn đến phụ huynh học sinh đề nghị đóng tiền đầu năm học cho nhà trường bằng cách chuyển tiền trực tiếp tới số tài khoản cá nhân do đối tượng lừa đảo yêu cầu. Ngay sau khi lấy tiền, các đối tượng lừa đảo khóa số điện thoại để phụ huynh không liên lạc được.
Công an TP.HCM khuyến cáo phụ huynh học sinh, khi thông báo đóng tiền, nhà trường sẽ báo thu trực tiếp với học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh cần nâng cao cảnh giác trước các trường hợp nghi giả mạo nhân viên nhà trường gửi tin nhắn yêu cầu thanh toán chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân rồi chiếm đoạt.
Tài khoản ngân hàng để đóng học phí phải mang tên trường, không có tài khoản cá nhân đại diện trường. Ngoài ra, mỗi phụ huynh nên lưu số điện thoại của trường, khi phát hiện đối tượng có hành vi giả mạo nhân viên nhà trường thì dễ dàng gọi hỏi kiểm chứng hoặc báo công an địa phương để được hỗ trợ.
Một cây xăng trong ngày điều chỉnh giá - Ảnh: NGỌC HIỂN
Công an TP.HCM cũng cho biết, hiện nay, địa bàn TP có nhiều cửa hàng bán lẻ đã tạm ngưng hoạt động hoặc kinh doanh gián đoạn do nguồn hàng cung ứng không đáp ứng kịp. Việc này dẫn đến tình trạng một số người dân mang theo can loại lớn để mua xăng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ do tích trữ xăng dầu trong nhà.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07 - Công an TP.HCM), xăng dầu là loại chất nguy hiểm cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt.
Nếu tích trữ xăng trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp thì với đặc tính của xăng dầu rất dễ xảy ra hiện tượng hư hỏng thiết bị chứa, dẫn tới rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ.
Việc không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại về người, tài sản ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Vì vậy, người dân không tích trữ xăng dầu tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho thành viên trong gia đình.
Trường hợp cơ sở, các gia đình cần thiết tích trữ xăng dầu phải có biện pháp bảo quản an toàn trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở, khu vực chứa xăng dầu tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu.
Đặc biệt, có biện pháp ngăn xăng dầu tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt, thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…), trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa.
TTO - Việc đóng cửa, bán hạn chế của các cửa hàng xăng dầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân.