Chào mừng đến với Hiware Bazar
Trước năm 1989, Hiware Bazar, nằm ở quận Ahmednagar của Maharashtra, cũng giống như bất kỳ ngôi làng nào khác ở Ấn Độ. Ngôi làng này thậm chí còn phải chịu cảnh đói nghèo và hạn hán vào năm 1972. Nhưng vào những năm 1990, số phận nơi đây đột nhiên thay đổi và trở nên giàu có nhờ một người đứng đầu có tên Popatrao Baguji Pawar.
Ngôi làng hiện có 60 triệu phú. Đoán xem họ là ai. Tất cả đều là nông dân!
Đúng vậy. Đằng sau câu chuyện đi lên từ nghèo khó vươn tới cuộc sống trù phú chính là hình bóng của người trưởng làng tâm huyết. Ông đã quyết định cần có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội để phát triển hiệu quả. Ngôi làng 1.250 người này thực sự là một ví dụ điển hình cho việc con người có thể thay đổi số phận của mình nhờ sự chăm chỉ và quyết tâm.
Bên cạnh những khu chợ nhộn nhịp, những con đường sạch đẹp, những cánh đồng xanh tươi và vài ngôi nhà khang trang được trang bị đầy đủ tiện nghi, hiện đại, ngôi làng Hiware Bazar còn trở nên tuyệt vời hơn bởi những quy định bao gồm cấm phóng uế, thuốc lá, phá rừng, chăn thả gia súc, uống rượu,… Mỗi năm trôi qua, ngôi làng ngày càng phát triển tốt hơn và không bao giờ ngừng đi lên.
Sự khởi đầu của một cuộc cách mạng
Năm 1989, Popatrao Pawar được nhất trí bầu làm trưởng làng (sarpanch). Từ đó, ngôi làng đã "thay da đổi thịt" và đạt được những thành tựu to lớn.
Về cơ bản, Pawar ưu tiên việc chấm dứt mối nguy hại do hút thuốc và say rượu gây ra bằng cách đóng cửa tất cả các cửa hàng rượu bất hợp pháp trong làng. Sau đó, ông tuân theo lệnh cấm uống rượu và thuốc lá.
Tiếp theo, vì nơi đây không thường xuyên có mưa nên cần phải có sự phân chia tích trữ và sử dụng nước hợp lý. Tính đến điều này, Pawar đã sắp xếp một khoản vay và bắt đầu chương trình thu gom nước mưa, bảo tồn và quản lý rừng đầu nguồn trong làng.
Với sự giúp đỡ từ dân làng cũng như ngân quỹ của chính quyền tiểu bang, ông đã cùng mọi người thành lập một số thuỷ vực, bao gồm 52 kè đất, 32 kè đá, đập chống lũ và bể lọc để chứa nước mưa. Ông thậm chí còn muốn chắc chắn rằng làng cũng cần phải trồng thêm hàng nghìn cây xanh. Kỹ thuật đầu nguồn ngày càng tiến bộ đã giúp dân làng tưới tiêu và thu hoạch được nhiều loại cây trồng khác nhau.
Từ chỗ chỉ có 90 giếng nước vào những năm 1990, ngôi làng nhỏ bé này hiện đã có khoảng 294 chiếc giếng. Trong vòng vài năm, nghề nông đã trở lại và phát triển, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Hơn nữa, làng cũng từ chối việc sử dụng các loại cây trồng cần nhiều nước, thay vào đó, họ tập trung nhiều hơn vào các loại đậu, rau, quả và hoa cần ít nước hơn để sinh trưởng.
‘Ngôi làng lý tưởng’ với những giải thưởng cao quý nhất
Ngày nay, dân làng tập trung nhiều vào chăn nuôi gia súc. Vào thế kỷ 20, có khoảng 33 gallon sữa được sản xuất mỗi ngày. Bước sang thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng đã vọt lên theo cấp số nhân với khoảng 880 gallon được sản xuất mỗi ngày.
Năm 1995, trong số 182 gia đình sống trong làng, có 168 gia đình nằm trong danh sách những hộ gia đình dưới mức nghèo đói. Hiện tại, con số ấy bằng 0.
Hiware Bazar còn có những thành tựu khác. Nhà nào cũng có nhà vệ sinh, trường học và hệ thống y tế được xây dựng, điện và nước chạy khắp làng.
Theo báo cáo, có 3 phụ nữ tham gia panchayat (hệ thống được thành lập bởi chính phủ để duy trì luật pháp và trật tự trong các ngôi làng hoặc thị trấn nhỏ). Panchayat của làng có 70 thành viên. Bên cạnh đó, mọi chi phí về giáo dục đều do chính ngôi làng này tự chi trả.
Ngôi làng thậm chí còn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Theo báo cáo, dân làng ở đây kiếm được trung bình 30.000 Rupee mỗi tháng. Trong số 235 gia đình hiện nay, có đến 60 gia đình là triệu phú.
Chính phủ bang Maharashtra đã trao danh hiệu ‘Ngôi làng lý tưởng’ cho Hiware Bazar. Thủ tướng Narendra Modi đã vinh danh những công việc xuất sắc của trưởng làng cũng như người dân nơi đây.
Popatrao Pawar thậm chí đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của Chương trình Làng kiểu mẫu của Maharashtra. Ông có mong muốn tạo ra 100 ngôi làng tương tự như Hiware Bazar.
Những ngày tươi sáng đang chờ phía trước.
Tham khảo India Times