Đất vàng hoá cao ốc
Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành đã được lãnh đạo Thành phố Hà Nội đặt ra từ đầu những năm 2000, cùng với đó là di dời các Sở, Ngành của thành phố và 26 cơ sở giáo dục ra khỏi khu vực nội đô.
Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội vừa qua đã thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố đợt 1. Theo đó, sẽ có 10 khu vực nhà máy sắp phải di dời khỏi nội thành Hà Nội.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, nhiều khu đất trống tại các nhà máy xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội sau khi di dời đã nhanh chóng được hô biến thành các dự án cao ốc.
Điển hình tại quận Thanh Xuân – nơi trước đây được ví như thủ phủ của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Sau khi di dời các cơ sở công nghiệp khỏi khu vực này, những chung cư, văn phòng ùn ùn mọc lên ngay lên giữa thành phố.
Tiêu biểu có thể kể đến khu đất tại 90 Nguyễn Tuân có diện tích 3,7ha trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng.
Vốn dĩ khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên hậu di dời nhà máy. Tuy nhiên, tháng 7/2017, UBND Tp.Hà Nội đã ký quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng cao 29 tầng nổi.
Chỉ trên con đường Nguyễn Tuân dài 1km hiện đã có đến 3 dự án cao ốc mọc trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy. Điển hình là dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất.
Tiếp đến là khu đất 2,2ha sau khi bị thu hồi của Công ty cổ phần dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông-VID, một công ty do chính công ty dệt Mùa Đông sáng lập, để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.
Ngoài ra, tình trạng hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp còn rải rác quanh Hà Nội như tòa nhà 8B Lê trực, dự án công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của công ty cổ phần May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy).
Nhiều vướng mắc
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Đình Tùng - Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam nhận định, khi các nhà máy nằm trong nội đô ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc tổng thể cũng như sự phát triển chung của toàn thành phố.
“Do đó, việc Hà Nội có chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi khu vực nội thành là một điều tất yếu”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô cần được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Các công trình này sẽ vừa không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, vừa đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.
Vị Chủ tịch Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, dù có quy hoạch rõ ràng nhưng để đi từ trên văn bản đến ra ngoài thực tiễn vẫn phát sinh ra nhiều vấn đề. Vì vậy việc tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ cần được lập quy hoạch tổng thể chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế đầu tư, xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh: Việc các bộ, ngành, nhà máy chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai.
Ông nói rằng, dù nhiều đơn vị đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn giao đất, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trì trệ như hiện nay.Đồng thời còn một vấn đề quan trọng đặt ra nữa là mục đích sử dụng của khu đất sau khi di dời như thế nào cũng cần phải được chú trọng, giám sát nghiêm túc theo đúng quy hoạch.
Ông Nghiêm kiến nghị, để đảm bảo quỹ đất trống sẽ được khai thác theo đúng quy hoạch tổng thể đề ra trước đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng. Đất đó khi thu hồi phải có quy hoạch rõ ràng, kỹ lượng, tổng thể dựa trên đánh giá nhu cầu của đô thị không chỉ là hiện tại mà là tương lai, đảm bảo các yếu tố cân bằng dân cư với môi trường.
“Trong đó ưu tiên cao nhất là làm công viên, công trình tiện ích công cộng. Còn nếu quá thiếu đất ở thì mới tính đến phương án xây chung cư”, ông Nghiêm nói và cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần mở rộng thanh tra, kiểm tra các khu vực để làm rõ những bất cập tồn đọng trong quản lý quy hoạch, xây dựng.
Song song, để thực hiện tốt chủ trương này, theo ông Nghiêm, Hà Nội cần xem xét tổng thể về khung pháp lý, về cơ chế chính sách để phát hiện các vấn đề còn vướng mắc. Đối với các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền thì Hà Nội cần đề xuất phương án để tháo gỡ một cách kịp thời. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Hà Nội cần chủ động báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết.