Người dân vùng lũ Kỳ Sơn, Nghệ An nhận quần áo từ các đoàn thiện nguyện - Ảnh: D.HÒA
Làm từ thiện cũng lưu ý "của cho không bằng cách cho"
Ngày 10-10, trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của một đoàn thiện nguyện gửi hàng cứu trợ lên huyện Kỳ Sơn, Nghệ An - nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề bởi đợt lũ quét - nhưng được cho bị người dân từ chối nhận thu hút sự quan tâm của dư luận.
"Làm thiện nguyện thì cũng phải tâm lý và có lòng thấu hiểu. Đã cứu trợ thì chủ yếu huy động kinh phí, sản phẩm ra ứng cứu, chứ đem mấy cái đồ cũ quá khó dùng. Đề nghị các đoàn thiện nguyện lần sau chỉ mang theo tiền cho gọn, vừa thiết thực lại vừa lịch sự và được lòng người".
Ý kiến bạn đọc Hai Cù Nèo
Theo hình ảnh đăng tải, nhiều quần áo đủ màu sắc, kích cỡ được đổ bên lề đường, kèm theo đó là nội dung: "Thiện nguyện kịp thời đúng thời gian, đúng người, đúng chỗ mới ý nghĩa. Và người cần họ nhận được họ mới tôn trọng tấm lòng và công sức của người thiện nguyện. Hình ảnh dưới đây là quần áo được đưa lên huyện Kỳ Sơn tấp một đống, không ai lấy cả vì ở đây họ không cần".
Thông tin này nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều của cộng đồng mạng và bạn đọc Tuổi Trẻ Online.
"Dân mình vẫn còn khổ nhưng không đến mức rách rưới hay đói ăn như thời 20-30 năm trước. Mỗi thời mỗi khác. Mình từ thiện thì cũng phải suy nghĩ sao cho phù hợp. Cho người cần chứ không cho tràn lan. Của cho không bằng cách cho nhé" - bạn đọc Thanh viết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng "một miếng khi đói bằng một gói khi no", do đó khoan nói đến chuyện phù hợp hay không, nhưng những người làm thiện nguyện họ đã có lòng gom góp, mang đến cho những người ở vùng bị nạn, thì cũng nên ghi nhận và trân trọng hành động đó.
"Không thể đem những lý do hợp hay không để rồi bỏ đống bên đường như vậy. Làm vậy khó mà chấp nhận được" - bạn đọc nick name Lee viết.
Dung hòa giữa hai luồng ý kiến để cho và nhận đều vui, một số bạn đọc đề nghị khi làm thiện nguyện cũng nên cân nhắc vấn đề đem quần áo đi thiện nguyện.
Về ý này, bạn đọc Phan Thuận viết: "Các anh chị làm bên thiện nguyện cũng nên cân nhắc vấn đề đem quần áo đi thiện nguyện. Hãy cho bà con vùng lũ lụt những thứ mà bà con cần, như tiền bạc, thực phẩm... là những thứ cần thiết nhất. Còn như quần áo thì không phải là không cần thiết, nhưng khi đem đi thiện nguyện chưa đúng với những nơi cần thôi".
Từ kinh nghiệm thực tế, bạn đọc Trúc bổ sung: "Thực tế mình đi từ thiện nhiều lần ở các vùng sâu vùng xa. Đồ cũ mọi người mang cho cần thì cần đấy, nhưng nếu cũ quá hoặc không hợp thì người ta cũng vứt xung quanh, thành ra đó trở thành nơi vứt rác của mọi người...".
Ông Trần Văn Thủy tại lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái ngày 6-10 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
'Khâm phục người đạo diễn tài ba'...
Ở tuổi 82, đạo diễn Trần Văn Thủy vừa nhận Giải thưởng lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Trải lòng với Tuổi Trẻ, vị đạo diễn đáng kính này đã cho thế hệ hậu sinh thêm nhiều góc nhìn về chuyện đời - chuyện nghề của ông.
Cho rằng được xem những tác phẩm của ông là niềm hạnh phúc lớn, nhiều bạn đọc thông qua phần bình luận đã hết lòng ca ngợi cái tâm và cái tầm của vị đạo diễn tài ba.
Bạn đọc Hải Hà nhớ lại: "Cuối năm 1987 được xem phim "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" tại Thành Đoàn Hà Nội, tôi và nhiều bạn tôi đã khóc. Đến nay, dù đã nghỉ hưu được gần chục năm, mỗi khi xem lại phim này tôi vẫn không cầm được nước mắt".
Theo bạn đọc này: "Dù gặp rất nhiều gian nan nhưng ông là người thật hạnh phúc! Tôi tin rằng tương lai các con cháu của tôi sẽ có ngày được bước trên một phố nhỏ có đầy bóng cây và tiếng chim kêu, phố đó mang tên Trần Văn Thủy".
Kính trọng một bậc tiền bối có nhiều đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà, bạn đọc Chau bổ sung: "Tôi từng làm nghề thuyết minh phim và từng mang phim này đi chiếu trên địa bàn mà đơn vị được phép chiếu. Vậy mà đến nay vẫn muốn xem lại và cho các con tôi xem trên YouTube. Tôi kính phục ông (đạo diễn) và thấy ông thật dũng cảm".
"Tôi rất khâm phục trí tuệ và tính trách nhiệm với Tổ quốc và bản thân của nghệ sĩ Trần Văn Thủy. Tôi đã từng được xem 2 bộ phim của ông tại quê hương Nam Định của ông. Cảm ơn và chúc ông khỏe" - bạn đọc Minh 79 viết.
Nhân dịp ông Trần Văn Thủy nhận được giải thưởng danh giá, bạn đọc Trần An đề nghị: "Nên chiếu cho mọi người cùng được xem 2 phim nói đến trong bài này. Phim Hà Nội trong mắt ai và phim Chuyện tử tế".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Bạn có đồng ý việc hạn chế dùng quần áo cũ làm từ thiện?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Nhiều đoàn thiện nguyện quyên góp tiền mặt, hiện vật như chăn mền, quần áo cũ gửi lên vùng lũ quét huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Nhưng có hay không việc hàng đống quần áo này bị vứt bỏ, không ai lấy như mạng xã hội lan truyền?