Hiện nay, ngân hàng SCB có mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống, lên tới 8,9% cho kỳ hạn 36 tháng với hình thức gửi trực tuyến. Trước đó, vị trí này thuộc về ABBank khi niêm yết mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện là khách hàng gửi mức tiền từ 500 tỷ đồng và nhận lãi cuối kỳ.
SCB cũng sở hữu mức lãi suất cao nhất trong hệ thống ngân hàng với các kỳ hạn thấp hơn. Theo đó, lãi suất dưới 6 tháng tại đây ở mức trần 5%, lãi suất 6 và 9 tháng khi nhận lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%. Còn với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất là 8,55%.
Một số ngân hàng khác cũng có có mức lãi suất huy động lên cao. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trên ngân hàng số Cake by VPBank ở kỳ hạn 36 tháng lên đến 8,2%/năm cho tiền gửi trên 300 triệu đồng. Mới đây, vào ngày 6/10, riêng ngân hàng VPBank cũng tăng 0,3 điểm % cho biểu lãi suất huy động mới.
Đối với hình thức gửi tại quầy, mức lãi suất cao nhất hiện VPBank đang áp dụng là 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng.
Nếu chọn hình thức trực tuyến, khách hàng sẽ hưởng mức lãi suất 6 tháng từ 6,3-7,1%/năm, gửi 12 tháng hưởng lãi suất 6,7-7,5%/năm và gửi 36 tháng nhận lãi suất từ 7,2 - 8%/năm.
Kienlongbank cũng niêm yết mức 8,6/năm ở lãi suất tiền gửi trực tuyến. Tuy nhiên, khi gửi tiền tại đây, khách hàng không cần điều kiện về số tiền gửi tối thiểu.
Một ngân hàng khác là Techcombank cũng vừa thay đổi biểu lãi suất mới tăng từ 0,3 - 1%/năm tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, với tiền gửi từ 1-3 tháng, lãi suất Techcombank tăng kịch trần lên mức 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất từ 6,7-7,2%/năm, tại kỳ hạn 12 tháng từ 7-7,5%/năm. Cho tới hiện nay, đây là các mốc lãi suất cao nhất nhà băng tư nhân này đưa ra.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến tăng của lãi suất huy động trong tháng 10 sẽ còn mạnh hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9.
Các chuyên gia của BVSC cho biết, Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tới ngày 20/9/2022 đạt 10,54% so với cuối năm trước. Mặc dù vẫn đang cao hơn nhiều so với mức tăng trong cùng kỳ, đà tăng của tín dụng tiếp tục chậm lại so với các tháng đầu năm. Đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã chính thức thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng cho các NHTM.
BVSC cho rằng nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, vẫn còn khoảng 3,46% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng trong khoảng thời gian từ tuần cuối cùng của tháng 9 tới cuối năm, tương đương với 361.365 tỷ đồng.
Việc mở hạn mức tín dụng ở thời điểm hiện tại là cần thiết để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2022. Cũng trong tháng 9, NHNN đã quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1 điểm % và nâng trần lãi suất với các kỳ hạn ngắn. Đây là quyết định phù hợp với bối cảnh thực tế, vừa giúp ổn định tỉ giá – khi đồng VND trở nên hấp dẫn hơn, vừa với mục đích duy trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhóm phân tích này cũng nhận định, từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng NHNN sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỉ giá, do Fed vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong hai cuộc họp cuối năm, sẽ kéo chỉ số US Dollar Index tiếp tục tăng. Động thái này sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng trong phần còn lại của năm 2022.
Ngoài ra, theo kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV do NHNN công bố, có tới 59-61% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37%/năm trong quý IV/2022. Cả năm 2022, có 66-69% ngân hàng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56-0,57%/năm.
Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng lãi suất sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. VNDirect dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,4-6,5%/năm vào cuối năm nay. Đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng nhỏ có thể còn cao hơn.