Công ty Cổ phần Cao Su Phước Hoà (HoSE: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý III năm 2022 với lợi nhuận giảm đáng kể do doanh thu tài chính lao dốc sâu.
Theo đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 322 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với quý II/2021. Tuy nhiên, mức tăng của giá vốn hàng bán nhanh hơn mức tăng doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty giảm nhẹ xuống còn 36 tỷ đồng.
Ở diễn biến khác, doanh thu từ hoạt động tài chính thu về ở giảm hơn 15 lần so với cùng kỳ, từ 47 tỷ đồng xuống chỉ còn 3,2 tỷ đồng trong quý III/2022. Nguyên nhân là do trong kỳ doanh nghiệp không còn khoản cổ tức lợi nhuận được chia như ở cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính riêng, các chi phí trong kỳ của công ty phát sinh nhiều hơn so với tháng 9/2021. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 54%. Sau khi trừ các chi phí, Cao Su Phước Hoà báo lãi 12 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh, công ty cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III/2022 giảm do từ ảnh hưởng của giá bán mủ cao su. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty mẹ giảm là do trong quý III năm trước, công ty có nhận được khoản tiền cổ tức hơn 47 tỷ đồng đến từ CTCP KCN Nam Tân Uyên.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của công ty mẹ đạt 863,9 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ, công ty nhận được khoản thu nhập hơn 289 tỷ đồng lợi nhuận khác, cụ thể đến từ khoản tiền bồi thường thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III. Khoản đền bù trên đã nâng lợi nhuận 9 tháng đầu năm của cổ đông công ty mẹ của Cao Su Phước Hoà lên 261 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ.
Năm 2022, công ty mẹ Cao Su Phước Hoà đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 2.253 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 898,84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 744 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2022, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch kinh doanh và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của công ty mẹ PHR đạt 3.213 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu kỳ. Đặc biệt, trong kỳ, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm mạnh từ 789 tỷ đồng xuống chỉ còn 442 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm hơn 78,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các khoản phải trả ngắn hạn khác giảm hơn 71 lần, từ 500 tỷ đồng tại đầu kỳ xuống chỉ còn 7,5 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu PHR có giá 44.300 đồng/cổ phiếu, giảm 6,93% so với số tham chiếu.
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI, ước tính trong quý IV/2022, PHR sẽ nhận thêm khoản thu hơn 401 tỷ đồng đến từ đền bù đất. Đây sẽ là “đòn bẩy" nâng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng cuối năm 2022 của Cao Su Phước Hoà lên 408 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo các chuyên gia SSI, Cao Su Phước Hoà sẽ ghi nhận thu nhập từ đền bù đất là 691 tỷ đồng vào năm 2022 và 207 tỷ đồng vào năm 2023, chiếm lần lượt 60% và 27% lợi nhuận của Phước Hòa trong năm 2022 và 2023.
Ngoài ra, báo cáo nhận định, từ năm 2024, PHR sẽ ghi nhận thu nhập liên quan đến khu công nghiệp thông qua các công ty liên doanh (VSIP 3 và NTC), giúp công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể từ việc cho thuê khu công nghiệp VSIP 3 (1.000 ha) và khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 (351 ha).
Song song với đó, theo SSI, nhu cầu đối với các khu công nghiệp đang gia tăng nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện qua giá cho thuê liên tục tăng lên. Tuy nhiên, ngành vẫn tiềm ẩn rủi ro như thủ tục phức tạp trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển khu công nghiệp, quá trình xin cấp phép thành lập khu công nghiệp mới từ Chính phủ có thể bị kéo dài.